Tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe
Tiêm chủng là một phần quan trọng của hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với con người. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư tốt nhất cho sức khỏe. Vắc xin cũng là “vũ khí” sắc bén, hữu hiệu để chủ động phòng, chống và kiểm soát các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đồng thời, củng cố an ninh y tế toàn cầu và vắc xin cũng là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự kháng thuốc.
LOẠI TRỪ NHIỀU BỆNH TRUYỀN NHIỄM NHỜ VẮC XIN
Tại Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia được triển khai từ năm 1985 đã cứu sống hàng triệu sinh mạng và bảo vệ hàng ngàn người khỏi thương tật. Hàng trăm triệu liều vắc xin đã tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Tỷ lệ tiêm chủng cao đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em, phụ nữ Việt Nam; giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Tiền Giang là địa phương luôn duy trì tốt hiệu quả Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi đạt miễn dịch cơ bản hằng năm đều trên 96%. 172 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức tiêm chủng thường xuyên vào các ngày 10, 15 và 25, 30 hằng tháng, tạo sự thuận lợi cho các bà mẹ đưa con em đến tiêm chủng.
Trẻ em cần được tiêm chủng đẩy đủ để chống lại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. |
Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại tỉnh Tiền Giang đạt khá cao: Người từ 18 tuổi trở lên, mũi 1 đạt 105,8%, mũi 2 đạt 103,3%, liều bổ sung và nhắc lại đạt 81,2%; trẻ em từ 12 - 17 tuổi, mũi 1 đạt 102,7% và mũi 2 đạt 99,1%. Tiền Giang đang khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều thứ 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Sở Y tế đang tham mưu trình UBND tỉnh tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng khác bao gồm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trong tình hình dịch Covid-19, góp phần giảm mắc bệnh cho trẻ em, giảm lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và các giáo viên, học sinh tại trường học; đồng thời, giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
NHỮNG THÁCH THỨC
Bất chấp những tiến bộ vượt bậc, vẫn còn quá nhiều người trên khắp thế giới không đủ khả năng tiếp cận với vắc xin. Đại dịch Covid-19 và những gián đoạn liên quan đã làm căng thẳng hệ thống y tế, với 23 triệu trẻ em không được tiêm chủng vào năm 2020, nhiều hơn 3,7 triệu so với năm 2019 và là con số cao nhất kể từ năm 2009.
Đề nghị các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, hiểu rõ, hiểu sâu về thực hành tiêm chủng an toàn. Các bệnh viện cần tham gia phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Các cơ sở tiêm chủng tăng cường quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng bệnh. Các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông phối hợp cùng ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu đúng lợi ích, hiệu quả của vắc xin và tầm quan trọng của tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và tích cực đưa con em đi tiêm chủng”. BÁC SĨ CHUYÊN KHOA 2 NGUYỄN HỮU DIỆP, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nước ta hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức như độ bao phủ ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số còn thấp. Nhiều gia đình từ chối hoặc trì hoãn việc tiêm phòng cho con em của họ vì lo ngại các phản ứng sau tiêm bởi thông tin sai lệch, đặc biệt là những biến cố bất lợi sau tiêm chủng. Thậm chí trên mạng xã hội còn xuất hiện phong trào tẩy chay vắc xin. Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân và cộng đồng.
Năm 2021, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 thực hiện giãn cách xã hội 3 tháng nên tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi đạt miễn dịch cơ bản tại tỉnh Tiền Giang chỉ đạt 83,1%. Do đó, việc duy trì, tăng cường tiêm chủng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia có ý nghĩa quan trọng. Nhằm tăng cường công tác truyền thông về vai trò và hiệu quả của tiêm chủng, bảo vệ thành quả đạt được trong công tác tiêm chủng mở rộng. Vắc xin mang lại cuộc sống lâu dài cho tất cả mọi người là điều không thể chối cãi, do đó cần có sự quan tâm, tham gia tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng về công tác tiêm chủng.
THỦY HÀ