Thứ Hai, 18/04/2022, 19:53 (GMT+7)
.

Vắc xin phế cầu không phòng được Covid-19 do vi rút SARS-CoV-2

(ABO) Hiện nay, nhiều người dân đổ xô đi tiêm ngừa phế cầu vì cho rằng có thể phòng được bệnh Covid-19. Đây là thông tin sai lệch và không có cơ sở khoa học. Những cập nhật dưới đây sẽ cung cấp chứng cứ liên quan đến vắc xin phế cầu giúp người dân hiểu rõ và thực hiện theo khuyến cáo của ngành Y tế để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Chỉ có vắc xin phòngCovid-19 mới có tác dụng bảo vệ người tiêm trước vi rút SARS-CoV-2. Ảnh Thanh Hoàng
Chỉ có vắc xin phòng Covid-19 mới có tác dụng bảo vệ người tiêm trước vi rút SARS-CoV-2 (ảnh chụp người dân tiêm ngừa vắc xin Covid-19 tại Tiền Giang). Ảnh: Thanh Hoàng

Đặc điểm của phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumonia) là vi khuẩn gram dương, cư trú tại đường hô hấp của con người, đặc biệt vào mùa đông và đầu mùa xuân. Sự lây truyền qua các giọt bắn. Trẻ nhỏ, người cao tuổi, đặc biệt là người miễn dịch suy giảm, khi vi khuẩn xâm nhập có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết hoặc viêm xoang, viêm tai giữa... là nguyên nhân gây ra khoảng 500.000 ca tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới mỗi năm.

Ở Mỹ, nhiễm khuẩn phế cầu gây ra khoảng 7 triệu trường hợp mắc bệnh viêm tai giữa, 500.000 trường hợp viêm phổi, 50.000 trường hợp nhiễm trùng huyết, 3.000 trường hợp viêm màng não và 40.000 ca tử vong mỗi năm. Mặc dù điều trị ưu tiên cho bệnh nhiễm phế cầu khuẩn là một thuốc kháng sinh beta-lactam hoặc macrolide, tuy nhiên việc điều trị ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi vì các chủng kháng thuốc đã xuất hiện.

Phòng ngừa nhiễm phế cầu khuẩn

Áp dụng phòng bệnh đường hô hấp như vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, che chắn vùng mũi - miệng khi ho và hắt hơi; tránh tiếp xúc với những người có bệnh lý về hô hấp.

Vắc xin là biện pháp chủ động hiệu quả phòng ngừa những bệnh lý nguy hiểm do phế cầu. Hiện có 2 loại vắc xin phế cầu khuẩn đang được sử dụng để phòng bệnh.

Vắc xin Synflorix của Bỉ, có chứa 10 tuýp kháng nguyên phổ biến nhất của vi khuẩn phế cầu gồm 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F. Khi tiêm vào cơ thể, vắc xin sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại các tuýp phế cầu trên, được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi theo lịch của từng nhóm tuổi.

Vắc xin Prevenar 13 của Hoa Kỳ, có chứa 13 tuýp kháng nguyên phổ biến nhất của vi khuẩn phế cầu gồm 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F. Loại vắc xin này sau khi tiêm sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại những tuýp phế cầu kể trên, được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên, người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch và người cao tuổi. Cả 2 loại vắc xin phế cầu Synflorix và Prevenar 13 đều có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm do các typ vi khuẩn phế cầu gây ra.

Vắc xin Covid-19

Vắc xin Covid-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại vi rút SARS-CoV-2. Tiêm chủng là cách tốt nhất để làm chậm sự lây lan của vi rút gây bệnh Covid-19, có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh nghiêm trọng, nhập viện và tử vong. Các loại vắc xin khác nhau tác động theo những cách khác nhau để tạo ra khả năng bảo vệ. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) khuyến nghị, tất cả mọi người đủ điều kiện cần tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ, đúng hạn, bao gồm cả người bị suy giảm miễn dịch để phòng ngừa bệnh.

Tỉnh Tiền Giang hiện đang tiếp tục tiêm vắc xin cho những người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi tăng cường, mũi nhắc cho những người từ 18 tuổi trở lên, chuẩn bị tiêm vắc xin cho nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi nhằm kiểm soát hiệu quả Covid-19 và những biến thể của SARS-CoV-2.

Hiện nay, nhiều người dân đổ xô đi tiêm ngừa phế cầu vì cho rằng có thể phòng được bệnh Covid-19. Ngành Y tế khẳng định thông tin trên là sai lệch và không có cơ sở khoa học. Vắc xin phế cầu hoàn toàn không thể thay thế cho vắc xin Covid-19. Việc tiêm vắc xin phế cầu không phòng được bệnh Covid-19 mà chỉ giúp ngăn ngừa bội nhiễm phế cầu khuẩn cho những người này khi mắc Covid-19.

Để phòng bệnh Covid-19, mỗi người cần chủ động và đưa con em chúng ta đi tiêm vắc xin Covid-19 đúng lịch theo thư mời của trạm y tế tại các điểm tiêm chủng nhằm đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

BSCK2 LÊ ĐĂNG NGẠN

 

.
.
.