Thứ Ba, 24/05/2022, 14:29 (GMT+7)
.

Bệnh đậu mùa khỉ và nỗ lực ứng phó của các quốc gia

(ABO) Từ ngày 13 đến ngày 21-5-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 12 nước không lưu hành bệnh dịch. WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cùng với các nước đang điều tra để hiểu rõ hơn về mức độ và nguyên nhân bùng phát bệnh ở người.

DỊCH TỄ CỦA BỆNH

Bệnh đậu mùa khỉ do một loại vi rút truyền sang người từ động vật với các triệu chứng rất giống với những triệu chứng đã thấy ở người bệnh đậu mùa trước đây, mặc dù bệnh này ít nghiêm trọng hơn về mặt lâm sàng. Vi rút đậu mùa khỉ thuộc giống Orthopoxvirus, họ Poxviridae gây ra. Có hai nhóm vi rút đậu mùa khỉ là nhóm Tây Phi và nhóm lưu vực Congo, Trung Phi. Tên bệnh đậu mùa khỉ bắt nguồn từ phát hiện ban đầu về vi rút trên khỉ trong phòng thí nghiệm ở Đan Mạch vào năm 1958. Trường hợp đầu tiên trên người được xác định ở một đứa trẻ ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970.

Loại vi rút này là đặc hữu trong một số quần thể động vật ở một số quốc gia, dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh không thường xuyên giữa người dân địa phương và khách du lịch. Các đợt bùng phát gần đây được báo cáo trên 11 quốc gia cho đến nay là không điển hình, vì chúng đang xảy ra ở các nước không có dịch bệnh.

Tính đến ngày 21-5-2022, đã có 92 trường hợp được xác nhận trong phòng thí nghiệm và 28 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đang được điều tra, báo cáo cho WHO từ các quốc gia thành viên không lưu hành vi rút đậu mùa khỉ. Không có trường hợp tử vong liên quan nào được báo cáo cho đến nay.

SỰ LÂY TRUYỀN

Vi rút đậu mùa khỉ lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần với vết thương, dịch cơ thể, dịch đường hô hấp và các vật liệu bị ô nhiễm như chăn, gối, đệm. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6 đến 13 ngày nhưng cũng có thể từ 5 đến 21 ngày.

Nhiều loài động vật khác nhau đã được xác định là nhạy cảm với vi rút đậu mùa khỉ. Lịch sử tự nhiên của vi rút đậu mùa khỉ vẫn còn chưa chắc chắn và cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định các ổ chứa chính xác và sự tồn tại của vi rút trong tự nhiên. Ăn thịt không được nấu chín kỹ và các sản phẩm động vật khác của động vật bị nhiễm bệnh là một yếu tố nguy cơ có thể xảy ra.

Bệnh đậu mùa khỉ thường tự giới hạn nhưng có thể trầm trọng ở một số người như trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch. Người bị bệnh ở khu vực Tây Phi dường như ít nghiêm trọng hơn so với khu vực Congo, với tỷ lệ tử vong theo ca bệnh là 3,6% so với 10,6% ở khu vực Congo.

TRIỆU CHỨNG

Ở người, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự nhưng nhẹ hơn các triệu chứng của bệnh đậu mùa. Sự khác biệt chính giữa bệnh đậu mùa khỉ là các hạch bạch huyết sưng lên (nổi hạch) trong khi bệnh đậu mùa thì không. Thời gian ủ bệnh đối với bệnh đậu mùa khỉ thường là 7 - 14 ngày nhưng có thể từ 5 - 21 ngày.

Bệnh bắt đầu với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức. Trong vòng 1 đến 3 ngày, đôi khi lâu hơn sau khi xuất hiện sốt, bệnh nhân phát ban, thường bắt đầu ở mặt sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Bệnh tự giới hạn với các triệu chứng thường kéo dài trong 2 - 4 tuần.

Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ như nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ trước đây từ 0 - 11% trong dân số nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ. Gần đây, tỷ lệ tử vong từ 3 - 6%.

ĐIỀU TRỊ

Chăm sóc lâm sàng cho người bệnh cần được tối ưu hóa hoàn toàn để giảm nhẹ các triệu chứng, quản lý các biến chứng và ngăn ngừa di chứng lâu dài. Bệnh nhân nên được cung cấp chất lỏng và thức ăn để duy trì tình trạng dinh dưỡng đầy đủ. Nhiễm khuẩn thứ phát nên được điều trị theo chỉ định.

Thuốc kháng vi rút Tecovirimat đã được Hiệp hội Y tế châu Âu (EMA) cấp phép cho bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2022 dựa vào dữ liệu trong các nghiên cứu trên động vật và con người nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Hiện bệnh đang được theo dõi trong nghiên cứu lâm sàng kết hợp với thu thập dữ liệu tương lai.

PHÒNG NGỪA

Giảm nguy cơ lây truyền từ động vật sang người: Tránh tiếp xúc với động vật có thể chứa vi rút, bao gồm động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ.

Giảm nguy cơ lây truyền từ người sang người: Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh với những người khác có thể có nguy cơ nhiễm bệnh.Thực hành tốt vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) khi chăm sóc bệnh nhân.

Vắc xin vi rút sống giảm độc lực JYNNEOS TM  (Imvamune hoặc Imvanex) đã được Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để phòng, chống bệnh đậu mùa ở khỉ. Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) hiện đang đánh giá JYNNEOS TM để bảo vệ những người có nguy cơ tiếp xúc nghề nghiệp với bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ.

BS LÊ ĐĂNG NGẠN

(Cập nhật tài liệu của WHO và CDC ngày 22-5-2022)

 

.
.
Liên kết hữu ích
.