Covid-19 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nhận thức và tâm thần lâu dài
(ABO) Covid-19 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nhận thức và tâm thần lâu dài, bao gồm sương mù não, mệt mỏi và thậm chí rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Để hiểu rõ hơn về quy mô của vấn đề, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge đã phân tích 46 người phải nhập viện do nhiễm trùng từ tháng 3 đến tháng 7-2020. Adam Hampshire tại Đại học Hoàng gia London cũng đã nghiên cứu 40.000 người đã được chăm sóc đặc biệt với Covid-19.
Những người tham gia đã trải qua các bài kiểm tra nhận thức trung bình 6 tháng sau khi bị bệnh ban đầu. Những kết quả này được so sánh với hơn 66.000 người từ dân số nói chung.
Những người nhập viện vì Covid-19 đạt điểm kém hơn trong các bài kiểm tra lý luận tương tự bằng lời nói, đánh giá khả năng của một cá nhân để nhận ra mối quan hệ giữa các ý tưởng và suy nghĩ có phương pháp.
Kết quả cho thấy, những người nhập viện vì Covid-19 có thể mất 10 điểm IQ, với số điểm này tương đương với sự suy giảm nhận thức tự nhiên xảy ra ít nhất là sau 20 năm của người bình thường.
Các nhà khoa học ghi nhận tốc độ xử lý của người bệnh chậm hơn, do glucose là nguồn năng lượng quan trọng nhưng ít được não sử dụng trong lúc não tập trung chú ý, giải quyết vấn đề phức tạp và trí nhớ. Ngoài sự suy giảm hoạt động của não do glucose, có thể có nhiều nguyên nhân khác nữa, như sự cung cấp máu không đầy đủ cho não, tắc nghẽn mạch máu và chảy máu vi mô do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, cũng như thiệt hại do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.
Tuy nhiên có một tin vui là điểm số IQ và tốc độ phản ứng được cải thiện, phục hồi dần dần sau nhiều tháng mắc Covid-19.
Để khắc phục tình trạng suy giảm IQ và nhận thức, mọi người cần lưu ý:
- Tập thể dục hằng ngày, tùy theo lứa tuổi mà có các môn phù hợp như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy bộ, cầu lông… cần bắt đầu chậm, có thể chỉ hai đến ba phút một vài lần một ngày. Mặc dù không có “liều lượng” tập thể dục được thiết lập để cải thiện sức khỏe não bộ, nhưng thông thường nên tập 30 phút mỗi ngày, năm ngày trong một tuần.
- Ăn các thức ăn bổ não như dầu ô liu, trái cây, rau, các loại hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện khả năng tư duy, trí nhớ và sức khỏe não bộ.
- Ngủ đủ giấc. Ngủ là thời gian mà não và cơ thể có thể đào thải chất độc ra ngoài và hướng tới việc chữa bệnh. Thời gian ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày.
- Tham gia các hoạt động trong gia đình và xã hội. Trong xã hội, chúng ta có thể duy trì nhóm năng khiếu như vẽ, nhạc, thể thao, tham quan, du lịch... Các hoạt động gia đình và xã hội không chỉ có lợi cho tâm trạng của bệnh nhân, mà còn giúp ích cho cả suy nghĩ và trí nhớ của bệnh nhân.
- Rèn luyện bộ nhớ hằng ngày: Vi rút làm tổn thương các tế bào của bộ nhớ, vì vậy để lấy lại trí thông minh đã mất, lấy lại khả năng tư duy nhận thức và trí nhớ, người bệnh cần dành nhiều thời gian trong ngày để rèn luyện bộ nhớ như học ngoại ngữ, chơi các câu đố, trò chơi trí nhớ và các hoạt động mà khiến não người bệnh làm việc tích cực hơn. Đồng thời, kết hợp tập thư giãn đầu óc như yoga, ngồi thiền, khí công và giữ thái độ tinh thần tích cực.
Đề phòng di chứng não, mọi người cần chích ngừa đầy đủ, thực hiện 5K. Khi mắc Covid-19 cần giữ bình tĩnh, tránh căng thẳng, lo lắng. Sự sợ hãi làm người bệnh suy sụp tinh thần, ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào não.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC