Thứ Ba, 03/05/2022, 13:04 (GMT+7)
.

Hậu Covid-19 cần phải được điều trị sớm

Hiện nay các vấn đề liên quan tới hội chứng hậu Covid-19 đang được người dân rất quan tâm. Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện có đến 203 triệu chứng khác nhau của hậu Covid-19 có thể xuất hiện sau khi người mắc Covid-19 đã hồi phục.

b

Người dân đến đăng ký khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MAI THANH

Trước những lo lắng của người dân về hậu Covid-19, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành về việc khám, chữa bệnh hậu Covid-19.

Tại văn bản, Bộ Y tế nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 hiện nay, số người mắc Covid-19 đã gia tăng ở khắp các tỉnh, thành phố. Một số người dân xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.

Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc Covid-19 (hậu Covid-19) trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19 sau khi ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (Covid-19)...

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, tháng 10-2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố chính thức về khái niệm "hậu Covid-19". Theo đó, hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc Covid-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Cũng theo WHO, hậu Covid-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc Covid-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình, xã hội.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, ở khía cạnh tinh thần, sau khi trải qua thảm họa đại dịch, người dân đã gặp phải những sang chấn tâm lý. Do đó, người bệnh có thể cảm thấy stress, trầm cảm, lo âu, mất ngủ, hồi hộp... sau Covid-19. Một số biểu hiện hậu Covid-19 đối với thể chất rất phổ biến là các triệu chứng hô hấp. Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, có 50-60% bệnh nhân sau mắc Covid-19 với triệu chứng hô hấp kéo dài khi đến khám, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực đều thấy có tổn thương.

Hiện Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với các vụ, cục liên quan, các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, đề xuất các hướng dẫn chuyên môn và triển khai tập huấn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Hậu Covid-19 không đáng sợ. Từ thực tế điều trị cho thấy, rất nhiều trường hợp đã vượt qua các triệu chứng phổ biến hậu Covid-19 như trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài... chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ, tập luyện và cân bằng lại tâm lý.

Tuy nhiên, những trường hợp có bệnh nền, tổn thương đã được bác sĩ hẹn khám lại, cần phải đi tái khám. Người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành, các bài thuốc truyền miệng để chữa bệnh hậu Covid-19... điều này không chỉ khiến bỏ lỡ "thời gian vàng" để điều trị bệnh mà còn có thể dẫn đến "tiền mất tật mang".

Theo Báo Quân đội nhân dân

.
.
.