Thứ Sáu, 13/05/2022, 13:20 (GMT+7)
.

Kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Chánh Thanh tra tỉnh Tiền Giang Hồ Hữu Nghị vừa ký ban hành Kết luận thanh tra 544 về thanh tra việc chấp hành pháp luật trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo Kết luận thanh tra 544, có một số hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã được ghi nhận và kiến nghị giải pháp xử lý, chấn chỉnh.

NHỮNG THIẾU SÓT, HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM

Về lập và thẩm định, phê duyệt chủ trương mua sắm, danh mục, dự toán, Thanh tra tỉnh khẳng định qua xem xét các gói thầu của cơ quan, đơn vị đã thực hiện hầu hết đều áp dụng quy định để thực hiện hình thức chỉ định thầu rút gọn, chào hàng cạnh tranh. Chỉ có 8 gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng, 1 gói thầu được giao theo hình thức thẩm định giá.

Trong đó, có một số gói thầu được mua sắm tại thời điểm chưa thật sự cấp bách (từ sau tháng 11-2021), vì vậy làm hạn chế tính cạnh tranh trong quá trình mua sắm. 3 gói thầu có giá trị lớn đã thực hiện mua sắm trong năm 2020 nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định, có gói thầu chưa đánh giá đầy đủ thông tin để xác định quy mô tại thời điểm trình chủ trương đầu tư theo quy định. Một số gói thầu thực hiện mua nhưng chưa rà soát đánh giá số lượng tồn để lập danh mục mua sắm theo yêu cầu sử dụng.

Trong 2 năm 2020 và 2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Tiền Giang đã sử dụng 18 cơ sở y tế, thành lập 9 bệnh viện dã chiến để tiếp nhận, quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 và tổ chức 101 cơ sở cách ly để thực hiện thu dung, cách ly theo quy định.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức 3 chiến dịch tầm soát dịch bệnh diện rộng trên toàn tỉnh, từ ngày 18-8 đến 15-10-2021. Tổng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 của Tiền Giang trong 2 năm (2020 - 2021) trên 1.366 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước trên 1.263 tỷ đồng, còn lại là nguồn viện trợ và huy động tại địa phương.

Về công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Kết luận thanh tra nêu: Có 8 trung tâm y tế không công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu là chưa đúng quy định của pháp luật.

Công tác thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cơ quan có thẩm quyền có sai sót đối với 3 gói thầu mua sắm trang thiết vật tư y tế năm 2020. Một số gói thầu có sai sót do các trang thiết bị y tế này mang tính đặc thù, áp lực thời gian phục vụ phòng, chống dịch nên các cơ quan thẩm định không đủ năng lực.

Về giá của các gói thầu kết luận thanh tra khẳng định các cơ quan, đơn vị khi tiến hành mua sắm đã áp dụng quy định của pháp luật. Qua xem xét giá của các gói thầu đã mua sắm cho thấy có 2 gói thầu lấy 3 báo giá thực tế, chỉ có 1 báo giá là chưa đúng quy định; không cung cấp đầy đủ thông tin báo giá cho đơn vị thực hiện dẫn đến chọn giá cao hơn để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Có 14 gói thầu chọn mức giá cao hơn trong dãy giá đã được công bố, trong các báo giá hoặc trong các hình thức được lựa chọn theo quy định.

Việc chọn mức giá cao hơn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường tại thời điểm vẫn đúng theo quy định của pháp luật, Thanh tra tỉnh ghi nhận giải trình của các đơn vị là do điều kiện mua sắm cấp bách có liên lạc với các nhà thầu giá thấp hơn qua điện thoại nhưng vì các lý do khác nhau nên không cung cấp được. Tuy nhiên, nếu các đơn vị làm tốt hơn, nhất là các gói thầu có nhiều hình thức lựa chọn giá thì cũng có thể chọn được nhà thầu có giá tốt hơn nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, Thanh tra tỉnh kết luận: Thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, một số gói thầu là hợp đồng trọn gói, khi chọn nhiều hơn 1 nhà thầu trúng thầu; cùng một mặt hàng thương thảo với 3 nhà thầu với 3 đơn giá trúng thầu khác nhau; không ghi ngày thương thảo hợp đồng trong biên bản. Lập giá trang phục chống dịch cấp 4, khi mua có trang phục cấp 3; cùng 1 ngày chia gói thầu thành 2 hợp đồng với 2 nhà thầu khác nhau, 2 loại test với 2 giá khác nhau là sai với quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong điều kiện cần thiết phải đảm bảo vật tư y tế phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch, các đơn vị đã linh hoạt trong việc lựa chọn nhà thầu mua sắm đảm bảo số lượng theo yêu cầu là hợp lý nhưng cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm không để tiếp tục vi phạm.

Về công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, vắc xin, thuốc đã mua sắm. Kết luận thanh tra nêu hạn chế là việc phân bổ thiết bị, test, vắc xin tại một số thời điểm chưa kịp thời; việc thực hiện tiếp nhận, quản lý xuất, nhập, tồn trang thiết bị y tế còn nhiều sơ hở. Việc quản lý, kiểm tra, điều tiết sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế để sử dụng hiệu quả kinh phí đã mua sắm còn bất cập, đến ngày 28-2-2022 tồn kho trang thiết bị y tế tại 25 đơn vị trong ngành Y tế gần 46 tỷ đồng.

Riêng đối với vấn đề mua hóa chất xét nghiệm máy PCR của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, CDC Tiền Giang có thực hiện 1 gói thầu mua sắm và sử dụng hóa chất phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR và hóa chất chiếc tách tự động với tổng cộng hơn 19,4 tỷ đồng. Trong đó, CDC Tiền Giang đã thanh toán hơn 15,8 tỷ đồng và còn nợ hơn 3,6 tỷ đồng. Nội dung này hiện do Bộ Công an thực hiện điều tra. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Thanh tra tỉnh cho thấy, CDC Tiền Giang chọn giá mua của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là đúng quy định.

NGUYÊN NHÂN CỦA THIẾU SÓT, HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM

Kết luận thanh tra nêu rõ, tình hình dịch bệnh Covid-19 phát sinh chưa có tiền lệ xảy ra. Lãnh đạo Trung ương và địa phương chỉ đạo tập trung các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch theo tinh thần cấp bách, thần tốc “chống dịch như chống giặc” nên phát sinh áp lực rất lớn. Trong đó, có các đơn vị tổ chức triển khai, phân công thực hiện nhiệm vụ, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Công tác mua sắm với số lượng lớn trang thiết bị, vật tư y tế chuyên dùng phục vụ cho phòng, chống dịch. Có những vật tư, trang thiết bị phải mua ngay, mua đủ số lượng theo chỉ đạo để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết khi dịch xảy ra.

Việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế chưa được Bộ Y tế và các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể để thực hiện tốt nhất. Công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế trong điều kiện phòng, chống dịch diễn ra trên quy mô toàn thế giới, việc sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế cũng có khó khăn làm hạn chế nguồn cung. Trên bình diện cả nước, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh đều tranh thủ mua trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch. Một số nhà cung cấp vì động cơ vụ lợi, có dấu hiệu lợi dụng tình hình dịch bệnh, tình trạng tranh mua để nâng giá bán.

Thực tế diễn biến dịch khó lường nên việc dự trù mua sắm chưa sát nhu cầu sử dụng, dẫn đến tồn kho trang thiết bị y tế với số lượng lớn. Trong tình hình diễn biến dịch phức tạp, cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Y tế là trung tâm phải tập trung thực hiện phòng, chống dịch theo chỉ đạo. Đội ngũ nhân sự thiếu, một số bị nhiễm Covid-19; công tác mua sắm phải thực hiện trong tình thế cấp bách nên không tránh khỏi các thiếu sót về trình tự thủ tục và mua sắm đảm bảo tiết kiệm cho ngân sách. Văn bản quy định danh mục và số lượng trang thiết bị y tế chưa cụ thể, rõ ràng về định mức, từ đó gây khó khăn trong quá trình lập dự trù mua sắm.

Nguyên nhân chủ quan, cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị nhất là ngành Y tế do phải tập trung cho nhiệm vụ phòng, chống dịch có chỉ đạo nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến việc kiểm tra, kiểm soát mua sắm, quản lý sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình. Một số cơ sở y tế chưa có bộ phận chuyên môn về mua sắm nên việc mua sắm trong thời gian diễn ra dịch rất khó khăn dẫn đến nhiều thiếu sót trong quá trình thực hiện.

Một bộ phận công chức chuyên môn nghiệp vụ có liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm ở một số khâu công việc để đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện mua sắm. Trong thời gian này, Sở Y tế tập trung việc tham mưu phòng, chống dịch, chưa phát huy cao nhất vai trò quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, điều phối để việc thực hiện mua sắm, quản lý và sử dụng hiệu quả trang thiết bị, vật tư y tế đã được mua sắm.

BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐỐI VỚI NHỮNG HẠN CHẾ

Đối với những thiếu sót, hạn chế và khuyết điểm đã vạch ra, Thanh tra tỉnh kiến nghị biện pháp xử lý. Trong đó, về kinh tế, Thanh tra tỉnh kiến nghị thu hồi số tiền hơn 99 triệu đồng của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang nộp ngân sách nhà nước (thông qua tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra tỉnh) do bệnh viện xuất vật tư từ nguồn kinh phí chống dịch nhưng lại tiếp tục thanh toán bằng ngân sách nhà nước.

Đối với Sở Y tế, Thanh tra tỉnh kiến nghị yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tổ chức kiểm điểm do có những thiếu sót liên quan đối với Trưởng phòng Kế hoạch - Tổ chức. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với các sai phạm, thiếu sót liên quan, nhất là đối với gói thầu mua sắm 11 hệ thống oxy y tế đối với ông Phan Văn Hưng là công chức Phòng Kế hoạch - Tổ chức và ông Nguyễn Tấn Sang, nhân viên Trung tâm Mua sắm công được biệt phái hỗ trợ Sở Y tế.

Tổ chức cuộc họp Ban Giám đốc, Trưởng phòng có liên quan, Giám đốc các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện dã chiến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Mua sắm công, các trung tâm y tế để nghiêm túc đánh giá lại việc tổ chức mua sắm từ chủ trương đầu tư, quá trình thực hiện mua sắm, nghiệm thu, quản lý, phân bổ, điều phối, sử dụng trang thiết bị đã mua sắm.

Nghiêm túc xem xét các sai phạm, thiếu sót, hạn chế cụ thể đã nêu để rút kinh nghiệm chung trong ngành và từng cá nhân trong Ban Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc các đơn vị có các sai sót, hạn chế, từ đó có định hướng chấn chỉnh, khắc phục cụ thể trong thời gian tới. Chỉ đạo Giám đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc rút kinh nghiệm đối với các viên chức có trách nhiệm liên quan của từng đơn vị tùy theo mức độ sai sót, hạn chế và báo cáo kết quả cụ thể cho Thanh tra tỉnh.

THỦY HÀ

.
.
Liên kết hữu ích
bàn phẫu thuật đạt tiêu chuẩn ISO-13485
.