.

Tại sao bệnh đậu mùa khỉ đột nhiên xuất hiện?

Cập nhật: 09:13, 27/05/2022 (GMT+7)

Trong tuần qua, trước thông tin nhiều nước trên thế giới phát hiện trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, nhiều người đã thắc mắc: Tại sao bệnh đậu mùa khỉ đột nhiên xuất hiện, có phải vi rút đậu mùa khỉ đã biến đổi?

NGUỒN GỐC BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 khi có 2 đợt bùng phát bệnh giống như thủy đậu xảy ra ở các đàn khỉ được lưu giữ để nghiên cứu, do đó có tên là đậu mùa khỉ monkeypox. Trường hợp bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo.

Kể từ đó, bệnh đậu mùa khỉ ở người đã được ghi nhận ở một số quốc gia Trung và Tây Phi khác: Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cote d’Ivoire, Gabon, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone… Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ ở người đã xảy ra bên ngoài châu Phi liên quan đến du lịch quốc tế hoặc động vật nhập khẩu, bao gồm các trường hợp ở Hoa Kỳ, cũng như Israel, Singapore và Vương
quốc Anh.

Sự lây truyền của vi rút đậu mùa khỉ xảy ra khi một người tiếp xúc với vi rút từ động vật, người hoặc vật liệu bị nhiễm vi rút.

Vi rút xâm nhập vào cơ thể thông qua da bị vỡ (ngay cả khi không nhìn thấy), đường hô hấp hoặc màng nhầy (mắt, mũi hoặc miệng), lây truyền từ động vật sang người, có thể xảy ra do vết cắn hoặc vết trầy xước, chế biến thịt động vật hoang dã, tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể hoặc vết thương.

Lây truyền từ người sang người được cho là xảy ra chủ yếu thông qua các giọt hô hấp lớn, thường không thể di chuyển nhiều hơn nửa mét, vì vậy nếu tiếp xúc trực tiếp kéo dài mới có khả năng lây nhiễm. Sự lây lan từ người sang người không dễ dàng đối với bệnh đậu mùa khỉ. Một nghiên cứu cho thấy, chỉ có 3% những người tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh đậu mùa khỉ sẽ bị nhiễm bệnh.

Trong đợt bùng phát hiện lại đã xảy ra ở những người đàn ông có quan hệ tình dục với nam giới, điều này chưa từng xảy ra trước đây; nhưng các chuyên gia đã cảnh báo chống lại việc tuyên bố nó là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, hoặc quy kết sự lây lan cho một số cộng đồng nhất định. Nhiều khả năng sự tiếp xúc gần gũi xảy ra trong khi quan hệ tình dục là nguyên nhân lây lan, thay vì bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Vật chủ mang mầm bệnh chính của bệnh đậu mùa khỉ được cho là loài gặm nhấm châu Phi. Vi rút này được phân lập 2 lần từ động vật trong tự nhiên. Năm 1985, vi rút đã được tìm thấy từ một loài gặm nhấm ở châu Phi là con sóc dây ở vùng Equateur, nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Năm 2012, vi rút đã được tìm thấy từ một con khỉ đã chết trong Công viên Quốc gia Cote d’Ivoire.

DO ĐÂU BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ ĐỘT NHIÊN XUẤT HIỆN LẦN NÀY?

Vắc xin bệnh đậu mùa ở người cũng đồng thời có tác dụng bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Giáo sư Raina MacIntyre, người đứng đầu Chương trình An toàn sinh học tại Viện Kirby, nói với Tạp chí Y khoa Úc rằng: “Sự suy yếu khả năng miễn dịch từ tiêm phòng đậu mùa có thể góp phần vào sự bùng phát ngày càng tăng của bệnh đậu mùa khỉ, vì cả thế giới đã ngưng Chương trình Tiêm chủng đậu mùa đã hơn 40 - 50 năm…”.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí PLOS Neglected Tropical Diseases vào tháng 2, cảnh báo các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ đang gia tăng, cũng cho rằng, điều này là do việc ngừng tiêm phòng đậu mùa ở người trên diện rộng, do bệnh đậu mùa đã được WHO tuyên bố bị loại bỏ từ năm 1979.

Từ năm 2010 đến 2019, các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ tái xuất hiện ở Liberia và Sierra Leone sau 4 thập kỷ vắng mặt và ở nước Cộng hòa Trung Phi sau 3 thập kỷ, nghiên cứu được công bố vào tháng 2 và dẫn đầu bởi Pallas Health Research and Consultancy ở Hà Lan, cho thấy đậu mùa khỉ đang trở lại.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, các nhà nghiên cứu và nhân viên y tế trên toàn thế giới cảnh giác hơn với các triệu chứng của vi rút đậu mùa khỉ và nhanh chóng báo cáo bất cứ điều gì bất thường, giúp dẫn đến việc phát hiện các trường hợp mắc bệnh này.

VI RÚT ĐẬU MÙA KHỈ CÓ THỂ BIẾN ĐỔI?

Ngày 23-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố không có bằng chứng nào cho thấy vi rút đậu mùa khỉ đã biến đổi; đồng thời nhấn mạnh rằng, căn bệnh truyền nhiễm đặc hữu ở Tây và Trung Phi này không có xu hướng đột biến.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tiến sĩ Rosamund Lewis, người đứng đầu Văn phòng Bệnh đậu mùa thuộc Chương trình Khẩn cấp của WHO cho biết, các đột biến thường ít xuất hiện ở vi rút bệnh đậu mùa khỉ, song việc giải trình tự gene của các ca nhiễm vẫn giúp nâng cao hiểu biết về đợt bùng phát lần này sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.