.

Khuyến cáo tiêm nhắc mũi 2 vắc xin Covid-19

Cập nhật: 20:45, 19/06/2022 (GMT+7)

(ABO) Vào ngày 29-3-2022, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép tiêm nhắc mũi 2 của vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna COVID-19 cho những người từ 50 tuổi trở lên cũng như một số người bị suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên.

Do vắc xin không có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, một số người được tiêm chủng đầy đủ vẫn sẽ bị nhiễm Covid-19, đặc biệt những người lớn tuổi, những người bị suy giảm miễn dịch do hiệu quả của vắc xin không cao. Do đó, ngày 29-3-2022, FDA đã cho phép tiêm nhắc mũi 2 vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna Covid-19 cho những người từ 50 tuổi trở lên cũng như một số người bị suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên; thời gian ít nhất 4 tháng sau khi nhận được liều nhắc lại đầu tiên của bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào được phép hoặc đã được phê duyệt.

Giảm miễn dịch sau tiêm nhắc mũi 1

Mức trung bình các trường hợp mắc Covid-19 hiện tại trong 7 ngày là xấp xỉ 4% mức cao nhất được thấy trong đợt tăng Omicron, với số ca nhập viện và tử vong liên quan đến Covid-19 tiếp tục giảm. Tuy nhiên, trong suốt đại dịch, người lớn từ 50 tuổi trở lên có tỷ lệ nhập viện cao hơn các nhóm tuổi trẻ hơn.

Ở người lớn không đủ khả năng miễn dịch, việc nhận một liều tiêm nhắc đã được chứng minh là tăng khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng, nhập viện và tử vong so với người lớn không được tiêm chủng và tiêm đợt chính. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ chỉ duy trì ở mức cao từ 4 - 6 tháng sau tiêm. Ở người suy giảm miễn dịch và nhiễm SARS-CoV-2, việc tiêm phòng đã bảo vệ không bệnh nghiêm trọng, nhưng hiệu quả bảo vệ suy giảm nhanh chóng sau liều thứ 3 so với những người có khả năng miễn dịch.

Đối tượng cần tiêm nhắc mũi 2

Ủy ban Tư vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) khuyến nghị tiêm nhắc mũi 2 như sau:

Những người từ 50 tuổi trở lên đã nhận được liều nhắc lại Covid-19 ban đầu (bất kể loại vắc xin nào đã được sử dụng) ít nhất 4 tháng trước.

Những người từ 12 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch trung bình hoặc nghiêm trọng đã nhận được liều nhắc Covid-19 ban đầu (bất kể loại vắc xin nào đã được sử dụng) ít nhất 4 tháng trước.

Những người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm cả liều chính và liều bổ sung của vắc xin J & J / Janssen Covid-19 ít nhất 4 tháng trước.

Hiệu quả của tiêm nhắc mũi 2 khi biến thể mới lưu hành

Kể từ ngày 16-4-2022, biến thể Omicron lưu hành phổ biến ở Hoa Kỳ và có khả năng lây lan gấp hai lần so với các biến thể trước đó. Trong một nghiên cứu giữa các nhân viên y tế ở Israel, phản ứng miễn dịch tăng lên, tỷ lệ nhiễm trùng và bệnh nặng thấp hơn sau tiêm nhắc mũi 2 khi so sánh với tiêm nhắc mũi 1.

Một phân tích về lợi ích tiềm năng của liều tiêm nhắc ở Hoa Kỳ đã chứng minh lợi ích gia tăng đối với các trường hợp nhập viện, mức độ nặng và tử vong được ngăn ngừa trên mỗi triệu loạt hoàn thành sau mỗi liều tiêm nhắc. Điều này cho thấy lợi ích lớn nhất đạt được từ loạt tiêm chính và tiêm nhắc mũi 1, các lợi ích bổ sung có thể đạt được khi tiêm nhắc mũi 2 liều. Hiện chưa có dữ liệu về tính hiệu quả của vắc xin tiêm nhắc mũi 1 ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Các tác dụng không mong muốn sau tiêm vắc xin

Nguy cơ viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim được xác định sau khi tiêm nhắc vắc xin Covid-19 mũi 1 ở những người từ 12 tuổi trở lên. Trong số những người từ 12 đến 39 tuổi, các trường hợp hầu hết là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim khởi phát dưới 7 ngày sau lần tiêm nhắc mũi 1 đã được quan sát.

Tuy nhiên, nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ít hơn so với sau liều thứ 2 trong loạt chính. Những người từ 40 tuổi trở lên, hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim đã được quan sát thấy với nguy cơ nhỏ trong 3 tuần sau lần tiêm nhắc lại đầu tiên. Các rủi ro lý thuyết về dung nạp và tạo dấu ấn miễn dịch đã được xác định, nhưng dữ liệu hiện tại cho thấy những rủi ro này không đáng quan tâm tại thời điểm. Tuy nhiên, dữ liệu sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Khuyến nghị

Để ngăn chặn sự lây lan, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh khi xuất hiện các biến thể mới, việc tiêm nhắc mũi 2 vắc xin Covid-19 là cần thiết. Các khuyến nghị có thể nhanh chóng điều chỉnh nếu dịch tễ học Covid-19 thay đổi trong tương lai.

Nhiều người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng vẫn có khả năng mắc Covid-19. Do đó, các biện pháp bảo vệ bổ sung trong các hộ gia đình và cơ sở chăm sóc của những người bị suy giảm miễn dịch, bao gồm tiêm chủng cho những người tiếp xúc gần cũng như các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng khác, sẽ rất quan trọng để giảm nguy cơ lây truyền cho nhóm dân số này.

Bs LÊ ĐĂNG NGẠN

(Cập nhật tài liệu của CDC ngày 19-6-2022)

 

.
.
.