Chủ Nhật, 05/06/2022, 14:48 (GMT+7)
.

Ngăn bùng phát dịch tay chân miệng

Theo Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 5.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Thời gian gần đây, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng, chủ yếu ở khu vực miền Nam, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đang thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: THÀNH SƠN
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đang thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: THÀNH SƠN

Nhiều trẻ biến chứng phải nhập viện

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hơn 1 tháng trở lại đây, số trẻ bị bệnh tay chân miệng (TCM) tới khám và nhập viện tăng rất cao, trong đó có không ít ca nhập viện muộn, bị biến chứng nguy hiểm. Bé T.A. (31 tháng tuổi) được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày thứ 5 của bệnh, trong tình trạng sốt cao, đau rát miệng. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy vùng da 2 đùi của bé rải rác mụn nước đã khô, chẩn đoán mắc bệnh TCM. Một trường hợp khác là bé Hoàng Nam (15 tháng tuổi) nhập viện do sốt cao 39-40°C không hạ, quấy khóc, đau miệng, không ăn được. “Tôi chỉ nghĩ con bị sốt, nhiệt miệng nên không ăn được, chứ không biết con mắc TCM, vì lúc ở nhà tay chân con chưa nổi nốt gì cả”, mẹ bé Nam chia sẻ.

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, số lượng trẻ mắc TCM đến khám tại bệnh viện đang tăng khá cao. Trong tháng 4 và 5-2022, bệnh viện ghi nhận có 776 bệnh nhi mắc TCM đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó, trong số đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị. Mặc dù TCM xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. “Đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Còn tại TPHCM, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1.070 ca mắc TCM, tăng hơn 81% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca mắc tăng cao ở hầu hết quận huyện. Trong đó, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), phường An Lạc (quận Bình Tân), thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè), phường 11 (quận Tân Bình)... có số ca tăng cao so với trung bình tháng trước.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, hiện số trẻ nhập viện do TCM tại Khoa Nhiễm - Thần kinh đang tăng dần, trong khi cách đây hơn 2 tháng không có trường hợp nào. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tuần qua ghi nhận 879 ca khám ngoại trú, tăng gấp nhiều lần so với cùng thời điểm này tháng trước. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thì cho biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 80-120 trẻ đến khám TCM, tăng gấp đôi so với đầu tháng. Đa số trẻ đến khám mắc bệnh nhẹ, có thể về theo dõi tại nhà, chỉ có khoảng 10-15 ca nặng phải nhập viện.

Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Giám sát chặt, phát hiện sớm

Trước tình hình dịch TCM gia tăng, PGS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát dịch TCM trên địa bàn, tập trung vào các vùng có nhiều ca mắc, có nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động.

BS CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, nhận định, lứa tuổi nào cũng có thể mắc TCM, thường gặp nhất là dưới 5 tuổi, đặc biệt là 3 tuổi, trẻ càng nhỏ bệnh càng dễ trở nặng. Khoảng 90-95% trẻ mắc TCM sẽ được điều trị ngoại trú. Bệnh thường diễn tiến nhẹ và có thể sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. “Khi trẻ mắc TCM và bị loét miệng quá nhiều thì phụ huynh cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ. Trong trường hợp trẻ đau hoặc sốt, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thuốc giảm đau cho trẻ. Nếu trẻ dị ứng với thuốc hạ sốt thì có thể chườm mát cho cơ thể bé bằng nước ấm, lau người và chườm khăn tại các vị trí có các mạch máu lớn đi qua như hai bên cổ, nách, bẹn, trán, ngực, cho trẻ uống nhiều nước, nới rộng quần áo để giúp trẻ hạ sốt”, bác sĩ Dư Tuấn Quy khuyến cáo.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết, hiện nay, dịch bệnh TCM chưa có vaccine phòng ngừa. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Để phòng ngừa trẻ mắc bệnh diễn biến nặng, cha mẹ cần chú ý tới các dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh diễn biến nặng như: trẻ sốt trên 38,5°C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; trẻ giật mình ngay cả khi đang chơi; trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài. “Nếu trẻ có một trong những triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh.

Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.