Thứ Năm, 09/06/2022, 14:07 (GMT+7)
.

Thực hiện biện pháp phòng dịch phù hợp trong bối cảnh mới

 

Khi đến cơ sở y tế, người dân vẫn cần phải đeo khẩu trang.
Khi đến cơ sở y tế, người dân vẫn cần phải đeo khẩu trang.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt, ca mắc mới giảm mạnh chỉ còn dưới 1.000 ca/ngày; nhiều ngày không có ca tử vong... Bộ Y tế đề xuất và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan việc sửa thông điệp 5K thành V2K (vắc-xin-khẩu trang-khử khuẩn).

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm cho trẻ em. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn về thông điệp 5K phù hợp tình hình mới.

Thực tế, dịch Covid-19 tại nước ta đã qua thời kỳ đỉnh dịch. Ba tuần nay, số ca mắc mới mỗi ngày chỉ dưới 1.200 ca, riêng một tuần gần đây là dưới 1.000. Số ca nặng hiện rất thấp, nhiều ngày nước ta không ghi nhận ca tử vong. Tại Việt Nam, thông điệp 5K (khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tụ tập-khai báo y tế) cùng lời kêu gọi chung sống an toàn với đại dịch được Bộ Y tế đưa ra, áp dụng từ cuối tháng 8/2020, thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Đà Nẵng.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, để thích ứng với tình hình mới, Việt Nam đã bỏ khai báo y tế, đồng thời, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Như vậy, thực chất thông điệp 5K chỉ còn thực hiện 2K gồm khẩu trang-khử khuẩn. Chính vì vậy, Bộ Y tế lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đề xuất sửa đổi thông điệp 5K thành V2K, gồm: vắc-xin, khẩu trang, khử khuẩn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế cũng lưu ý, nếu có biến chủng vi-rút mới nguy hiểm hơn, ảnh hưởng sức khỏe người dân, đời sống xã hội thì vẫn có thể áp dụng thông điệp 5K.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Cuối tháng 3-2022, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố kế hoạch kết thúc "tình trạng khẩn cấp" của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới mới công bố kế hoạch chứ không phải là công bố kết thúc đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, trong Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành tại Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17-3-2022, Chính phủ nêu rõ nội dung nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang xếp Covid-19 trong nhóm A.

Đáng chú ý, trong kế hoạch kết thúc tình trạng khẩn cấp, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra ba kịch bản. Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là vi-rút gây Covid-19 tiếp tục phát triển, nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh mà nó gây ra sẽ giảm theo thời gian khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ tiêm chủng. Khi đó, có thể cần tiêm vắc-xin nhắc lại cho những người có nguy cơ cao nhất. Dịch bệnh có thể theo mùa, với đỉnh điểm vào những tháng lạnh hơn, tương tự như bệnh cúm.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra tình huống khi các biến thể trong tương lai sẽ "ít nghiêm trọng hơn đáng kể", khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng sẽ lâu dài mà không cần tiêm nhắc lại. Cũng có thể có tình huống xấu nhất, vi-rút biến đổi thành một mối đe dọa mới, có khả năng lây truyền cao và gây chết người hơn… Chính vì vậy, PGS, TS Trần Đắc Phu nêu rõ: Chúng ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp để "nghe ngóng", đánh giá tình hình dịch một cách chính xác, dịch diễn biến tới đâu, đáp ứng tới đó, cần đánh giá nguy cơ một cách chính xác để có đáp ứng phù hợp nhất.

Đồng tình với việc bỏ khai báo y tế trong thông điệp 5K vốn đã quen thuộc với người dân từ gần hai năm nay, PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng không nên quá băn khoăn áp dụng 5K hay 2K, 3K, 1K… mà cần áp dụng một cách linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp từng điều kiện, tình huống, hoàn cảnh và từng địa phương.

PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, hoàn toàn không nên ép buộc những biện pháp phòng bệnh cá biệt nữa, mà ngành y tế cần khuyến khích người dân thực hiện, hình thành các thói quen tốt vệ sinh cá nhân. Đơn cử như đeo khẩu trang, khử khuẩn, là các biện pháp không những phòng ngừa Covid-19 mà còn giúp phòng ngừa rất nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác đang lưu hành thậm chí có thể bùng phát thành dịch. PGS, TS Đỗ Văn Dũng nêu rõ, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát rất tốt, tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin rất cao, số người đã mắc một lần rất nhiều…, nhưng vẫn có những người tái nhiễm và có những đối tượng nguy cơ cao (như người cao tuổi, người có bệnh nền nặng, người suy giảm miễn dịch…) vẫn cần được bảo vệ trước dịch bệnh.

Do đó, vấn đề đặt ra là khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang lúc nào, ở đâu mới quan trọng. Theo đó, ở khu vực thông thoáng, người dân đi tập thể dục, thể thao, chạy bộ ngoài trời, việc đeo khẩu trang là không cần thiết. Song ở nơi đông người, không gian kín như đi xe buýt, vào bệnh viện… hoặc ở sân bay, nơi có người có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho, khó thở, việc bản thân đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc gần cũng rất tốt, nên áp dụng. Hai vị chuyên gia cho rằng các địa phương cần linh hoạt trong khuyến cáo hình thức áp dụng phù hợp, tránh sự ép buộc cứng nhắc, nhất là xử phạt không hợp lý khi chưa kịp thay đổi các quy định có tính pháp lý trước đây.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, không nên vì thấy dịch đang được kiểm soát tốt mà bỏ đi hoàn toàn những biện pháp phòng bệnh có giá trị cho sức khỏe từng người dân và cộng đồng. Nếu bỏ đi hết các quy định trong thông điệp 5K thì chắc chắn người dân sẽ có tâm lý chủ quan, trong khi đó tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và những dịch bệnh khác có thể nổi lên.

 

(Theo nhandan.vn)

.
.
.