.

Tiền Giang: Số lượng muỗi nhiễm Wolbachia đạt tỷ lệ trên 24%

Cập nhật: 14:13, 13/06/2022 (GMT+7)

(ABO) Tại Trung tâm KIểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức họp giao ban về hoạt động thả muỗi vằn mang Wolbachia tại TP. Mỹ Tho. Thạc sĩ - Bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chủ trì; cùng đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, UBND TP. Mỹ Tho, UBND các phường (từ phường 1 đến phường 8) và các thành viên liên quan tham dự.

Theo đó, các đại biểu được nghe cán bộ nhóm côn trùng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thông báo kết quả sau hơn 2 tháng thả muỗi vằn mang Wolbachia ở 8 phường; hoạt động truyền thông và thả muỗi của địa phương.

Quang cảnh cuộc họp giao ban.

Cụ thể, qua 11 tuần thả được trên 2.600 viên trứng muỗi vào cốc. Kết quả giám sát 100 điểm thả của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và 250 điểm thả của CDC Tiền Giang cho thấy, số lượng lăng quăng (LQ) trong cốc đạt theo kế hoạch. Kết quả xét nghiệm muỗi đến tuần thứ 6 sau thả muỗi (từ ngày 25-4 đến 1-5) tỷ lệ đạt trên 24% muỗi nhiễm Wolbachia ở 8 phường.

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện thả trứng muỗi, như: Cốc bị mất, bị rơi, hở, mất nắp, nhiệt độ môi trường cao và có ấu trùng lạ, người dân phản ảnh bị muỗi đốt nhiều… Từ đó, các đại biểu của dự án đã đưa ra những biện pháp xử lý, khắc phục.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng các hoạt động và đạt được tỷ lệ cao số lượng muỗi nhiễm Wolbachia tại TP. Mỹ Tho theo kế hoạch, Thạc sĩ - Bác sĩ Lương Chấn Quang đề nghị: Nhóm nghiên cứu tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông cho các đối tượng tham gia dự án cũng như cộng đồng để cùng bảo vệ các cốc thả muỗi, nhằm tăng tỷ lệ muỗi mang Wolbachia theo đúng kế hoạch.

Phát biểu đánh giá hoạt động của Dự án Thả muỗi Wolbachia sau hơn 2 tháng trên địa bàn TP. Mỹ Tho, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết: Kết quả bước đầu tương đối khả quan. Các nghiên cứu viên nỗ lực tham gia những hoạt động của dự án. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số ít người dân chưa đồng thuận các hoạt động của dự án, do đó cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để tăng cường nhận thức của người dân. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương, nghiên cứu viên, cộng tác viên và đề nghị các bên tiếp tục phối hợp triển khai tốt các hoạt động trong thời gian tới, đảm bảo hiệu quả của dự án đã đề ra.

THANH HOÀNG

 


 

 

.
.
.