Thứ Bảy, 30/07/2022, 13:46 (GMT+7)
.

Ba đường lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ từ người sang người

(ABO) Vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa tới các quốc gia khác. Mọi người cần phải bình tĩnh, không nên hoang mang sợ hãi, vì thực tế đậu mùa khỉ không lây nhiễm nhanh như dịch Covid-19, mà nó thường ít biến chứng và phần lớn sẽ tự khỏi.

Để chủ động phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, trước tiên chúng ta cần biết bệnh đậu mùa khỉ lây bằng những con đường nào. WHO cho biết, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm cho người khác trong thời gian có triệu chứng, thông thường là từ 2 đến 4 tuần. Có ba đường lây nhiễm đậu mùa khỉ.

Thứ nhất, đường trực tiếp. Vi rút đậu mùa khỉ chứa nhiều trong dịch tiết của cơ thể người bệnh như nước bọt, dịch phế quản, máu, mủ từ các nốt đậu trên da, các nốt ban, các vảy tróc ra từ nốt đậu. Khi người bệnh ho, nhảy mũi, sẽ văng ra các giọt bắn hô hấp, nếu người lành hít vào sẽ mắc bệnh.

Bàn tay, da thịt của mình có vết trầy xước nếu tiếp xúc với các nốt ban, nốt đậu, máu, mủ của người bệnh sẽ lây bệnh do vi rút truyền sang. Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là vi rút có thể lây qua nước bọt.

Do đó, người có tương tác gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm bao gồm cán bộ y tế, người nhà và bạn tình có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Thịt động vật hoang dã không nấu chín cũng là nguồn lây trực tiếp từ động vật sang người.

Thứ hai, đường gián tiếp. Quần áo, mùng mềm, chiếu gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như chén đũa bị nhiễm vi rút do tiếp xúc với  người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.

Thứ ba, từ mẹ sang con. Vi rút cũng có thể lây từ người đang có thai sang bào thai qua nhau thai, hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh, do tiếp xúc trực tiếp da với da.

Do có 3 con đường lây nhiễm đậu mùa khỉ, mọi người cần phòng ngừa bằng cách chủ động ngăn chặn từ xa, như mang khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Sắp tới nếu tình hình bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, ngành Y tế sẽ có khuyến cáo về việc chích ngừa đậu mùa khỉ cho những đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người đồng tính nam.

Tại sao trẻ em có khả năng mắc đậu mùa khỉ?

Kể từ khi dịch đậu mùa khỉ bắt đầu bùng phát vào tháng 5, hầu hết các trường hợp đã xảy ra ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm vi rút đậu mùa khỉ thông qua tiếp xúc gần gũi với da kề da.

Trong trường hợp của trẻ em, sự chăm sóc của gia đình như ẵm bồng, âu yếm, hôn hít, cho ăn, cũng như thông qua các vật dụng dùng chung như khăn tắm, mùng mền, chiếu gối, ly chén… có khả năng lây truyền vi rút đậu mùa khỉ nếu người chăm sóc mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Ba nguyên nhân khiến trẻ em có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ:

Thứ nhất, trẻ nhỏ có một giai đoạn giảm sức đề kháng, gọi là khoảng trống miễn dịch. Kể từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi, lượng kháng thể bé được mẹ truyền sang giảm mạnh. Trong khi đó, hệ miễn dịch tự thân của bé chưa hoàn thiện, chưa có khả năng tự tạo kháng thể, rất dễ bị tác động bởi các vi rút, vi khuẩn như vi rút đậu mùa khỉ.

Thứ hai, sự tiếp xúc môi trường xung quanh tăng theo thời gian. Trẻ nhỏ trong độ tuổi tập lẫy, bò, đi, bắt đầu đi nhà trẻ, đi học, tiếp xúc với nhiều môi trường mới, sinh hoạt tập thể ở lớp học nên có nguy cơ mắc các bệnh cao hơn, trong đó có bệnh đậu mùa khỉ. Vì sức đề kháng giảm nên trẻ em thường dễ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với trẻ vị thành niên và người trưởng thành.

Thứ ba, vi rút đậu mùa khỉ có thể truyền sang bào thai hoặc trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở hoặc tiếp xúc da kề da sớm sau sinh.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, có hai trường hợp trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định ở Hoa Kỳ. một trường hợp là đứa trẻ mới biết đi ở California và bé còn lại là trẻ sơ sinh không phải là cư dân Hoa Kỳ.

Cả hai đều có các triệu chứng nổi mụn nước của bệnh đậu mùa khỉ, nhưng sức khỏe tốt và được điều trị bằng một loại thuốc kháng vi rút có tên Tecovirimat hoặc TPOXX, mà CDC khuyến cáo cho trẻ em dưới 8 tuổi vì lứa tuổi này được coi là có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.

Tiến sĩ Jennifer McQuiston, Phó Giám đốc Bộ phận Mầm bệnh và Bệnh lý hậu quả cao của CDC cho biết, các trường hợp ở trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ không có gì đáng ngạc nhiên và Hoa Kỳ đã sẵn sàng ứng phó với nhiều trẻ em mắc bệnh hơn nữa.

         BS NGUYỄN THÀNH ÚC

 

             

 


 

 

.
.
.