Bỏ đấu thầu thuốc tập trung, giao cho các địa phương, cơ sở tự quyết: Nên hay không?
Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế do chậm đấu thầu theo quy định, trong thời gian qua, một số chuyên gia đặt vấn đề, nên xem xét bỏ đấu thầu thuốc tập trung và giao cho các địa phương, các bệnh viện, cơ sở tự quyết?
Đã đến lúc Việt Nam nên nghiên cứu thay đổi hình thức đấu thầu bằng kiểm soát giá thuốc, đưa ra mức giá trần. |
Không dám đấu thầu thuốc, mua sắm do sợ sai
Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế (BHYT) và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số địa phương thời gian qua khiến người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của BHYT, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT. Một trong những lý do là việc đấu thầu tập trung ở các cơ cơ sở y tế cả tại trung ương và địa phương khá chậm.
“Theo thống kê của chúng tôi, có những mặt hàng thuốc, vật tư y tế dù đã hết, chậm trên 3 tháng, có những tỉnh phải đấu thầu tập trung ở sở y tế như: Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tình trạng chậm trên 3 tháng chưa đấu thầu diễn ra khá phổ biến” - ông Đức thông tin.
Tuy nhiên, khi theo dõi chi phí bình quân của một đơn vị cấp thuốc cho người bệnh từ tháng 4 đến tháng 6 thì chưa có sự biến động quá lớn. Mức độ chênh lệch khoảng dưới 10.000 đồng/đơn thuốc, chiếm khoảng 5%. Điều này chứng tỏ tình trạng thiếu thuốc vẫn là đang cục bộ.
Việc đấu thầu mất rất nhiều thời gian, nhân lực
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, hiện một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh cũng đang cho các cơ sở tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, việc đấu thầu tại các cơ sở thực tế mất rất nhiều thời gian. Việc thanh toán, giá cả giữa các cơ sở khám chữa bệnh cũng có sự chênh lệch.
“Vì mất nhiều thời gian, nhân lực như vậy, nên các cơ sở y tế cũng không muốn tham gia đấu thầu” - ông Phúc thông tin.
Trước đó, Bộ Y tế cũng thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị. Thậm chí, ngay cả khi một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.
Lại có những địa phương chỉ đấu thầu thuốc theo danh mục mà Bộ Y tế quy định cho địa phương mà không mở rộng. Thêm vào đó, trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, việc tập trung nhân lực cho công tác đấu thầu còn hạn chế. Những nguyên nhân này dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số tỉnh thành, khiến người bệnh BHYT phải tự mua thuốc bên ngoài dù đang khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.
Nghiên cứu thay đổi hình thức đấu thầu bằng kiểm soát giá thuốc
Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do tình trạng chậm đấu thầu gây ra, có một số ý kiến cho rằng, nên bỏ đấu thầu thuốc tập trung và giao cho các địa phương, các bệnh viện, cơ sở tự quyết.
Xung quanh vấn đề này, ông Dương Tuấn Đức cho rằng, đấu thầu tập trung có rất nhiều lợi thế, đặc biệt sẽ giảm được các hội đồng đấu thầu thuốc ở các cấp cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, đấu thầu tập trung quốc gia sẽ có giá thấp hơn giá khi các cơ sở y tế mua lẻ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đức, thực tế việc đấu thầu hiện nay có rất nhiều vấn đề, kể cả có quy định nhưng vẫn còn những lỗ hổng trong quá trình đấu thầu và rất khó khăn cho các đơn vị đấu thầu.
Nếu câu hỏi đấu thầu thuốc có phải là giải pháp hữu hiệu để quản lý giá thuốc hay không thì câu trả lời đấu thầu chưa chắc đã phải là biện pháp hữu hiệu nhất.
Địa phương phải theo dõi việc đấu thầu đã sắp hết hạn để thông báo tới sở y tế
Về công tác đấu thầu thuốc trong thời gian vừa qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tham gia theo Nghị định 63, tham gia đấu thầu thuốc từ cấp trung ương tới địa phương.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng yêu cầu Bảo hiểm Xã hội các địa phương luôn phải theo dõi việc đấu thầu đã sắp hết hạn hay chưa, thông báo tới sở y tế, các cơ sở khám chữa bệnh về việc đó.
Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng thực hiện giám định, thanh toán nhanh nhất, tạm ứng chi phí cho các cơ sở y tế đầy đủ theo quy định, để tránh bị thiếu tiền khi có kết quả trúng thầu của Bộ Y tế…
“Đã đến lúc Việt Nam nên nghiên cứu thay đổi hình thức đấu thầu bằng kiểm soát giá thuốc, đưa ra mức giá trần. Từ đó, các cơ sở khám chữa bệnh có thể tự mua sắm ở các các đơn vị cung ứng theo mức giá này” - ông Đức nhấn mạnh.
Chỉ ra kinh nghiệm của một số nước trong vấn đề này, ông Đức cho biết, nhiều quốc gia tiên tiến không thực hiện đấu thầu thuốc mà kiểm soát giá. Tại Pháp, Đan Mạch thì trực tiếp người đứng đầu chính phủ sẽ đứng ra làm chủ tịch hội đồng kiểm soát giá và họ đàm phán với các công ty dược để điều chỉnh giá thuốc hàng năm.
Ví dụ Đan Mạch sẽ công bố giá thuốc công khai 2 tuần/lần và sẽ quyết định thuốc nào đưa vào trong danh mục thanh toán BHYT và thuốc nào không thanh toán. Nếu không thanh toán được BHYT thì hãng đó đương nhiên sẽ không thể sản xuất được mặt hàng đó, bởi tại quốc gia này 100% dân số tham gia BHYT.
Ngoài ra, các nước khu vực như EU cũng không thực hiện cấp thuốc ngoại trú, Hàn Quốc tách thuốc ra khỏi bệnh viện. Thay vì bệnh nhân đến bệnh viện khám lấy thuốc ở đó thì bệnh viện sẽ cho bệnh nhân ra hiệu thuốc mua thuốc. Cơ quan BHYT sẽ ký hợp đồng trực tiếp với hiệu thuốc và bệnh nhân lấy thuốc sẽ thanh toán với cơ quan BHYT. Hiệu thuốc cũng thực hiện mua thuốc theo giá trần mà Bộ Y tế công bố theo quyết định. Điều này giúp giảm được rất nhiều công sức cho các hội đồng đấu thầu thuốc của ngành Y tế.
Giá dự thầu đã tính đúng, tính đủ
Trả lời câu hỏi về chi phí thực tế khi đấu thầu đã tính đúng, tính đủ hay chưa, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết, giá thuốc dự thầu không phải giá thuốc nhập về, mà ngoài giá nhập về, cơ sở, đơn vị kinh doanh thuốc còn tính toán các chi phí khác, kể cả chi phí lợi nhuận, còn nếu nhập nguyên liệu thì có thêm chi phí đóng gói, bao bì, vận hành… sau đó mới ra giá dự thầu.
Giá dự thầu là giá tham khảo trong vòng 12 tháng, không phải tại thời điểm trước khi đấu thầu, nên giá dự thầu là cả một dải giá, chỉ quy định không được vượt quá giá cao nhất, chứ không quy định giá thấp nhất. Vấn đề này sẽ do hội đồng đấu thầu tính toán để với số lượng thuốc, địa bàn, khả năng cung ứng của nhà thầu sẽ đưa ra mức giá kế hoạch sát nhất với tình hình thực tế. Vì vậy, giá dự thầu là giá đã được các doanh nghiệp tính đúng, tính đủ.
Ông Đức cũng thông tin liên quan tới băn khoăn của một số cơ sở y tế khi tự chủ, chủ động mua sắm trong lúc chờ đấu thầu tập trung quốc gia có nguy cơ bị xuất toán khi có kết quả đấu thầu hay không.
Theo quy định trong Thông tư 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, trong trường hợp mặt hàng thuốc đó nằm trong danh mục đấu thầu tập trung quốc gia nhưng khi chưa tổ chức đấu thầu được, cơ sở khám chữa bệnh được phép đấu thầu hoặc mua sắm theo các hình thức hợp pháp hợp pháp khác.
Nếu đang trong quá trình sử dụng mặt hàng thuốc này mà có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia thì sản phẩm đó sẽ được áp dụng giá thuốc theo giá đấu thầu tập trung quốc gia và không bị xuất toán.
Mới đây, Bộ Y tế thông báo đã mở được gói thầu tập trung và sẽ có kết quả công bố trong tháng 7 này. Gói thầu của Bộ Y tế rất lớn, trị giá gần 10.000 tỷ đồng, chiếm đến 1/4 chi phí thanh toán khám chữa bệnh về thuốc trong năm, là những loại thuốc rất quan trọng, chủ yếu là thuốc nhóm 1, nhóm 2.
(Theo chinhphu.vn)