Chủ Nhật, 03/07/2022, 20:51 (GMT+7)
.

Hàng nghìn viên chức y tế nghỉ việc, bỏ việc: Vì sao "dứt áo ra đi"?

Tình trạng viên chức y tế xin nghỉ việc, thôi việc tiếp tục gia tăng, trong đó nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây là vấn đề “đau đầu” đối với ngành Y tế khi có nhiều bác sĩ giỏi, chuyên môn sâu đã “dứt áo ra đi” sang bệnh viện tư, cũng đồng nghĩa với người nghèo khó tiếp cận với bác sĩ có chuyên môn giỏi, đồng thời báo hiệu một “khoảng trống” không có thầy giỏi truyền nghề.

Chỉ tính riêng đến tháng 12-2021, đã có 4.864 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế cấp tỉnh nghỉ việc, thôi việc, trong đó có 1.504 bác sĩ, 1.482 điều dưỡng, 226 kỹ thuật y, 1.652 viên chức y tế khác… Còn tại bệnh viện tuyến trung ương, có 420 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong đó có 168 bác sĩ, 129 điều dưỡng, 16 kỹ thuật y và 107 viên chức. Sang năm 2022, tình trạng viên chức y tế xin nghỉ việc, thôi việc tiếp tục gia tăng, trong đó nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây là vấn đề “đau đầu” đối với ngành Y tế khi có nhiều bác sĩ giỏi, chuyên môn sâu đã “dứt áo ra đi” sang bệnh viện tư, cũng đồng nghĩa với người nghèo khó tiếp cận với bác sĩ có chuyên môn giỏi, đồng thời báo hiệu một “khoảng trống” không có thầy giỏi truyền nghề.

Tâm sự người trong cuộc

Một nữ điều dưỡng hồi sức tích cực công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội chia sẻ với tôi rằng, công việc của chị vô cùng vất vả, nhất là trong giai đoạn căng thẳng của dịch COVID-19. Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng tại phòng hồi sức tích cực, công việc của người điều dưỡng luôn căng thẳng, mệt mỏi trong suốt 8 tiếng của ca trực.

Mặc trên người bộ đồ bảo hộ kín mít suốt 8 tiếng, công việc luôn chân luôn tay. Nào là hút đờm cho bệnh nhân, hỗ trợ các bác sĩ đặt ống thở, theo dõi chỉ số sinh tồn, đút cháo, cho bệnh nhân uống nước, tắm rửa, gội đầu, thay bỉm… cho người bệnh. Ngày nào công việc cũng vất vả như vậy, sau mỗi ca trực, cởi bộ quần áo bảo hộ là một cơ thể mệt mỏi, đầm đìa mồ hôi, đôi bàn tay nhăn nhúm bởi đeo găng tay lúc nào cũng ướt sũng.

Áp lực công việc cao, lương thấp, nhiều người bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư.  Ảnh minh họa
Áp lực công việc cao, lương thấp, nhiều người bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư. Ảnh minh họa

Trong suốt thời gian dịch bệnh, vài tháng nữ điều dưỡng không về nhà, chuyện ăn học của con cái phó mặc cho ông bà nội ngoại. Mặc dù trong 2 năm qua, khi dịch COVID-19 căng thẳng, thiếu nhân lực điều dưỡng hồi sức trầm trọng, song mức lương của người điều dưỡng vẫn rất thấp, chế độ đãi ngộ gần như không có.

“Điều dưỡng có tay nghề cao, chuyên môn tốt như chúng tôi, bệnh viện tư mời với mức lương cao, gấp 3-4 lần ở bệnh viện công. Điều này làm tôi luôn trăn trở, suy nghĩ là đi hay ở. Vẫn biết để vào được một bệnh viện đầu ngành như hiện nay là mơ ước của nhiều người tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, song nhiều khi vì điều kiện kinh tế eo hẹp, khiến chúng tôi phải suy nghĩ, đấu tranh rất nhiều, là có nên bỏ Nhà nước ra ngoài làm hay không”, nữ điều dưỡng trăn trở.

Trên thực tế, có nhiều điều dưỡng đã bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư làm vì có mức lương cao hơn, xứng đáng với công sức họ bỏ ra; hoặc cũng có người vì điều kiện gia đình khó khăn, đồng lương eo hẹp không đủ trang trải cuộc sống, học hành cho con cái, nên đã ra bệnh viện tư, hoặc chuyển nghề. Theo chia sẻ của một Giám đốc Bệnh viện tuyến trung ương, ở bệnh viện của ông, đã có điều dưỡng nghỉ việc để ở nhà bán hàng online vì thu nhập cao hơn.

Lãnh đạo một bệnh viện tuyến trung ương chia sẻ rằng, trong suốt 2 năm chiến đấu với dịch bệnh, lượng bệnh nhân sụt giảm tới 1/3, để lo trả đủ mức lương cơ bản cho cán bộ, nhân viên đã rất vất vả. Chống dịch vất vả, áp lực cao, thù lao thấp, không có thêm thu nhập nào, họ phải rút tiền tiết kiệm ra để tiêu. Vì vậy, đã có bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xin nghỉ việc, thôi việc ra ngoài làm.

TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, trong thời gian qua, tại bệnh viện có một số bác sĩ trẻ, điều dưỡng xin nghỉ việc, chuyển công tác, trong đó có nhiều nguyên nhân như: Có người ở các tỉnh về bệnh viện làm việc một thời gian, sau đó xin chuyển công tác về gần nhà; một số người vì lý do gia đình. Nhưng cũng có một số bác sĩ trẻ sau khi về bệnh viện đã xin chuyển do thu nhập khó khăn. “Một bác sĩ nội trú ra trường phải mất 9 năm (6 năm học đại học và 3 năm học bác sĩ nội trú), về Bệnh viện E lương khởi điểm thấp, lại vào đúng thời điểm dịch COVID-19, tất cả thu nhập không đủ trang trải cuộc sống cho chính bản thân và đã xin nghỉ việc để đi tìm việc ở bệnh viện tư mức lương cao hơn”, BS Hựu nói.

Hệ lụy của "làn sóng" nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công

"Làn sóng" viên chức y tế bỏ việc, nghỉ việc xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phía Nam. Tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác, năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, cường độ và thời gian lao động tăng, áp lực công việc quá lớn (gấp 2, 3 lần), có nơi thù lao trực đêm chống dịch chỉ 18.500 đồng, không thỏa đáng với công sức đóng góp của cán bộ y tế. Thêm vào đó, chế độ thu hút, hoặc đãi ngộ hạn chế hoặc không có, nhiều viên chức y tế xin nghỉ việc, bỏ việc để tìm công việc mới ít áp lực hơn hoặc làm công việc khác có thu nhập cao hơn.

Theo thống kê của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, TP, đến tháng 12-2021, TP Hồ Chí Minh có 1.069 viên chức y tế xin nghỉ việc, thôi việc. Tiếp đến là Hà Nội 540 người, Đồng Nai 372 người, Bình Dương 202 người, Long An 162 người, An Giang 151 người, Cần Thơ 144 người, Đà Nẵng 126 người, Bình Thuận 121 người. Hiện tượng “chảy máu” chất xám trong ngành Y diễn ra ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương, đến cuối năm 2021, Bệnh viện Bạch Mai có 65 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam 49 người; Bệnh viện Chợ Rẫy 48 người; Bệnh viện Thống Nhất 42 người; Bệnh viện Trung ương Huế 41 người.

Sang năm 2022, theo số liệu thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến hết tháng 4, Hà Nội có tới 226 nhân viên y tế xin nghỉ việc, 17 người khác xin chuyển công tác (gần 2 năm qua Hà Nội có gần 900 nhân viên y tế, bác sĩ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác). Tại TP Hồ Chí Minh, riêng quý 1-2022 đã có gần 400 người nghỉ việc. Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc (cao hơn nhiều so với các năm trước). Tại Gia Lai, 6 tháng đầu năm có 23 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ (năm 2021 có 110 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc).

Theo TS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, nơi có 114 viên chức, người lao động, trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên thôi việc, bỏ việc từ năm 2011 đến nay cho biết, nguyên nhân các y, bác sĩ, nhân viên xin nghỉ việc phần lớn là do không chịu nổi áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Nhiều người lo ngại, với làn sóng bác sĩ xin nghỉ việc, bỏ việc ở bệnh viện công nhiều như hiện nay, đặc biệt là những người có chuyên môn cao, sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện công lập. Có nhiều chuyên gia đầu ngành xót xa khi nhìn lực lượng kế cận mình dần rời bỏ bệnh viện công, không ở lại để truyền nghề cho lực lượng kế cận. Hệ lụy của làn sóng nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công sẽ đến sau 10-15 năm nữa.

Giám đốc một bệnh viện đầu ngành chia sẻ: Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt - Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… là cái nôi đào tạo nhân lực ngành Y. Nhưng các thầy giỏi lại chuyển sang bệnh viện tư vì thiếu máy móc, thiết bị y tế hiện đại, thiếu thuốc men và cơ chế đãi ngộ. Việc này đồng nghĩa với các em sinh viên, các bác sĩ nội trú sẽ không có ai để theo học. Hơn nữa, không phải người bệnh nào cũng có tiền để đi bệnh viện tư, người bệnh nghèo không được khám, chữa bệnh bởi bác sĩ giỏi. Tình trạng này dẫn tới các bệnh viện lớn mất thầy, trò không được đào tại chuẩn. Như vậy, chúng ta sẽ mất đi một vài thế hệ kế cận. Đây là một việc hết sức đau xót.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến viên chức y tế nghỉ việc, bỏ việc là do lương, chế độ phụ cấp với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập còn thấp, chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. Trong khi thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi gấp 5-6 lần. Tại một số đơn vị tự chủ tài chính, do dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, lượng bệnh nhân đến khám giảm nên nguồn thu của bệnh viện cũng bị giảm đi, dẫn tới thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh hoặc chậm trả lương… dẫn tới việc nhân viên y tế xin nghỉ việc, hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.


(Theo cand.com.vn)


 

.
.
Liên kết hữu ích
.