Thứ Bảy, 30/07/2022, 09:51 (GMT+7)
.

Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ

Vụ hành hung, hăm doạ nhân viên y tế vừa xảy ra tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) vào tối 27/7 vừa qua đang gây phẫn nộ cực điểm đối với ngành y tế nói riêng, dư luận cả nước nói chung.
 

a
Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: TTXVN

Theo đó vào khoảng 21h ngày 27/7, một bé gái 10 tuổi bị hóc xương được đưa đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia định tại TP HCM. Sau khi thăm khám, bác sĩ ghi nhận sinh hiệu bình thường, trẻ hoàn toàn không khó thở, có triệu chứng nuốt vướng và đau. Bác sĩ trực cho trẻ ngồi chờ và liên hệ bác sĩ tai mũi họng để nội soi gắp xương cho bé.

Tiếc là, thay vì chờ đợi, người bố của cháu bé đã xông vào hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và quay clip. Ngay sau đó bảo vệ bệnh viện đã kịp thời có mặt và ngăn chặn hành vi hành hung.

Thực tế, ngoài những vụ việc các nhóm côn đồ truy sát nhau trong bệnh viện, thì những vụ tấn công y bác sĩ thời gian gần đây không còn là chuyện hiếm. Thành thử, bệnh viện đáng ra là nơi đáng ra luôn an toàn để y, bác sĩ cứu chữa cho bệnh nhân, đã ở mức báo động đỏ.

Có thể kể đến một số vụ như: Đầu tháng 1/2022, đối tượng Đào Văn Thịnh (sinh năm 1984; ở phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) đã có hành vi chửi bới, hành hung 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Trước đó nữa, hẳn dư luận không thể quên những sự vụ thương tâm khác, đó là, bác sĩ Trần Thị Thanh Hải (Hà Tĩnh) bị chém nhiều nhát dao vào người, bác sĩ Trần Thanh Sơn (Quảng Bình) bị đa chấn thương, bác sĩ Lê Quang Dương (Hà Nội) bị đánh vào đầu và phải khâu đến 7 mũi, hoặc nghiêm trọng hơn là bác sĩ Phạm Đức Giàu (Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân dùng dao đâm tử vong..v..v.

Xin dẫn lại một con số thống kê của Bộ Y tế, có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

a
Nhiều vụ việc nhân viên y tế bị hành hung đã diễn ra thời gian qua gây tâm lý lo ngại. Ảnh: Tiền Phong

Các sự vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế đó dĩ nhiên chiếm lấy những tiêu đề hot nhất trên các trang báo, các trang mạng xã hội, để rồi dư luận xôn xao và lo sợ khi mầm mống bạo lực lại xảy ra ở nơi chữa bệnh cứu người. Các bác sĩ lo lắng không yên khi đi làm, còn người dân ngày càng mất niềm tin vào trật tự xã hội.

Rất tiếc, cho đến nay tình trạng bạo hành nhân viên y tế không dứt, không giảm dù vấn đề an ninh bệnh viện đã được chú trọng hơn. Hầu hết các vụ hành hung này đều xảy ra rất bất ngờ, khó chống đỡ.

Nó vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề, gây tổn hại về thể chất, tinh thần và danh dự của bác sĩ trực tiếp bị hành hung trong lúc đang hành nghề cũng như các thầy thuốc, nhân viên y tế khác.

 Đồng thời, sự việc cũng gây mất an ninh, an toàn và trật tự tại nơi khám chữa bệnh cấp cứu, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, thời gian khám chữa bệnh cho người bệnh khác. Tạo nên cảm giác bất an, hoang mang và căng thẳng cho cả nền y tế nước nhà.

Những hành vi ấy, rộng hơn, lại gây ra tình hình xấu cho cả xã hội. Vấn nạn giải quyết mâu thuẫn với y bác sĩ bằng bạo lực đang ngày càng phức tạp, và trở thành xu hướng là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có các biện pháp răn đe triệt để.

Thật sự rất khó chấp nhận hiện trạng này, bởi vì trong khi ngày ngày thực hiện công tác chăm sóc bệnh nhân, đối mặt với bệnh tật và đau đớn đã là những thách thức lớn lao với các bác sĩ, giờ họ lúc nào cũng trong tình trạng lo sợ cho tính mạng của chính mình.

Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân của Việt Nam cũng đã quy định “Nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ”…v..v.

Liên quan đến vấn đề ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đề nghị Sở Y tế TP.HCM tiếp tục xác minh sự việc và báo cáo sớm. Đồng thời phối hợp với Công an TP.HCM để điều tra, đề xuất hướng xử lý nghiêm đối với hành vi sai phạm.

Có thể nói, môi trường khám chữa bệnh đề cao sự yên tĩnh và tập trung, giờ điều ấy đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự hỗn loạn và bạo lực. Rõ ràng,  vấn đề an ninh trật tự ở các bệnh viện cần được chú trọng hơn nữa.

Nếu các y bác sĩ không thể tập trung chữa trị cho bệnh nhân thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Vì thế, phải làm sao để mỗi bệnh nhân vào viện yên tâm điều trị và các y bác sĩ không phải trong tình trạng “vừa khám chữa bệnh vừa nơm nớp lo sợ bị tấn công”.

Thiết nghĩ, đảm bảo an toàn cho các y bác sĩ âu cũng là đảm bảo tính mạng cho chính chúng ta, và đảm bảo an ninh nơi khám chữa bệnh cũng là một phần quan trọng trong việc duy trì an ninh xã hội.

(Theo enternews.vn)

.
.
.