.

Nguy cơ dịch Covid-19 quay trở lại: Hãy tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng Covid-19

Cập nhật: 10:51, 01/07/2022 (GMT+7)

Thông tin từ GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thì biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam và có thể lấn át biến thể phụ cũ BA.2 đang chiếm ưu thế ở nước ta.

Người cao tuổi cần tiêm mũi bổ sung và nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 để được bảo vệ trước nguy cơ dịch quay trở lại.
Hãy tiêm mũi bổ sung và nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 để được bảo vệ trước nguy cơ dịch quay trở lại.

BIẾN THỂ PHỤ BA.5 CỦA OMICRON NGUY HIỂM THẾ NÀO

Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Lê Đăng Ngạn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang cho rằng, đặc tính của vi rút đều thay đổi theo thời gian và dẫn đến các biến thể. Hiện có 4 nhóm biến thể Covid-19 là biến thể đang được theo dõi, biến thể đáng quan tâm, biến thể đáng lo ngại và biến thể có hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, Omicron và các biến thể phụ như BA.4, BA.5 được xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại.

Hiện số mắc Covid-19 gia tăng tại các nước châu Âu, châu Mỹ, Singapore. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng mới có thể làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại do khả năng lây cao hơn các biến thể BA.1, BA.2, tăng nguy cơ bệnh nặng nhập viện và khả năng tử vong.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ 9 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các ngành có liên quan và các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho người dân và cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh phải gương mẫu thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 mũi bổ sung và mũi nhắc lại.

Do hiệu quả của vắc xin không là 100% và suy giảm theo thời gian (sau 3 - 5 tháng), hiệu quả kém với các biến thể mới. Do đó, mọi người dân, trẻ em trong độ tuổi cần đi tiêm vắc xin các mũi cơ bản, bổ sung, tiêm mũi nhắc đúng theo lịch tiêm của các cơ sở y tế trong giấy mời. Đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời, phải tuân thủ nguyên tắc phòng dịch V+2K là vắc xin cộng với khẩu trang và khử khuẩn trong phòng, chống dịch Covid-19.

NGUY CƠ DỊCH QUAY TRỞ LẠI LÀ HOÀN TOÀN CÓ THỂ

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới. Hiện nay, nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng, chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể.

Giáo sư Lân cho biết, trên thế giới số mắc Covid-19 hiện tăng 8%, tử vong giảm 3%. Tuy nhiên, nhiều nước đang lo ngại bùng phát mới trong mùa hè. Trên thế giới, số mắc chưa ổn định có lúc tăng, lúc giảm, không đồng đều giữa các khu vực. Chẳng hạn tại khu vực châu Phi có sự gia tăng số mắc, tử vong; tại khu vực Tây Thái Bình Dương gia tăng ca tử vong.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý là trước đây lưu hành chủ yếu hai biến thể phụ của Omicron là BA.1 và BA.2 thì đến nay một số nước ở khu vực châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số mắc. Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu nhận định, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây.

Đồng thời, khuyến cáo các quốc gia cần duy trì biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm. Hiện nay, thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan của hai biến thể phụ mới BA.4, BA.5. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy, hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.

WHO nhận định, thế giới vẫn đang trong đại dịch. Đồng thời, cảnh báo biến chủng mới làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron hiện là phổ biến nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng. Vì thế, các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin, giám sát trọng điểm…

Tại Việt Nam, hiện vẫn duy trì đà giảm số ca mắc mới, tỷ lệ chết/mắc rất thấp, lưu hành chủ yếu là biến thể BA.2 của Omicron có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Số mắc ghi nhận chủ yếu ở phía Bắc, trong 2 tháng qua là 107.000 ca, cao gấp 10 lần phía Nam; số mắc khu vực miền Trung cao gấp 2 lần khu vực Tây Nguyên. Hầu hết các tỉnh đều ghi nhận xu thế giảm.

Tại Tiền Giang, từ ngày 14-2 đến nay không ghi nhận ca tử vong do Covid-19 và nhiều tuần qua không ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19. Có được kết quả này một phần do tỉnh đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và đã có những chiến dịch để bảo vệ người nguy cơ cao.

Vắc xin cộng với khẩu trang và khử khuẩn là khuyến cáo bảo vệ sức khỏe trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay.
Vắc xin cộng với khẩu trang và khử khuẩn là khuyến cáo bảo vệ sức khỏe trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống giám sát phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam đã liên tục phát huy việc giám sát và qua giải trình tự gen cho thấy hiện đã có sự xâm nhập biến thể phụ BA.5 của Omicron vào nước ta. Biến thể này có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ (BA.1 và BA.2). Việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng đã ghi nhận, với sự giao lưu đi lại như hiện nay thì điều này là bình thường.

TRÁNH TÂM LÝ CHỦ QUAN VÀ KHÔNG TIÊM VẮC XIN

Hiện tại tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ổn định nên người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, không quan tâm do đã tiêm đủ những mũi cơ bản, đã mắc bệnh… Một số người dân cho rằng, tiêm vắc xin gây mất trí nhớ, suy nhược cơ thể, rụng tóc; tiêm hay không tiêm cũng mắc bệnh nên không đồng ý tiêm mũi nhắc. Đây chính là những vướng mắc trong công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 hiện nay của Tiền Giang.

Theo số liệu từ CDC Tiền Giang, đối với nhóm đối tượng trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có đến 16,7%, tức 28.941 phụ huynh trong tổng số 172.983 phụ huynh không đồng ý tiêm vắc xin cho trẻ do sợ trẻ bị các phản ứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Đối với nhóm tuổi lớn, tại một số địa phương, cán bộ y tế đã tổ chức điểm tiêm nhắc lưu động đến các hộ gia đình nhưng người dân vẫn không đồng ý tiêm mặc dù đã được sự vận động của các cấp chính quyền, giải thích rõ những lợi ích của việc tiêm vắc xin.

Thống kê số liệu tiêm chủng đến ngày 29-6, người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi bổ sung là 8,4%, tiêm nhắc mũi 1 đạt 80,2% và tiêm nhắc mũi 2 chỉ đạt 3,7%; nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 là 103,5% và tiêm đủ 2 mũi là 103,3%; nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 là 63,3% và tiêm đủ 2 mũi là 25,7%.

Như vậy khi biến thể phụ BA.5, BA.4 của Omicron và nhiều biến thể mới xâm nhập, Tiền Giang phải đối phó với làn sóng Covid-19 mới, nguy cơ nhiễm ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là nhóm có tỷ lệ tiêm vắc xin mũi nhắc, mũi cơ bản rất thấp, khả năng tăng số nhập viện và diễn tiến nặng.

Do đó, BSCK2 Lê Đăng Ngạn khuyến cáo, mọi người dân trong độ tuổi cần đi tiêm vắc xin các mũi cơ bản,  bổ sung, tiêm nhắc đúng theo lịch tiêm của các cơ sở y tế trong giấy mời, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhóm ưu tiên tiêm nhắc mũi 2 là người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng Công an, Quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp.

THỦY HÀ

.
.
.