Thứ Hai, 11/07/2022, 10:36 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tình trạng thiếu thuốc điều trị chỉ xảy ra ở từng thời điểm

Thời gian vừa qua, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy ra tại rất nhiều cơ sở khám, chữa bệnh công lập trong phạm vi cả nước và tỉnh Tiền Giang cũng không ngoại lệ. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này và hướng khắc phục như thế nào để đảm bảo công tác điều trị của cơ sở y tế cũng như không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch và tình trạng đảm bảo thuốc, vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch và tình trạng đảm bảo thuốc, vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.

THỰC TRẠNG THIẾU THUỐC

Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Tiền Giang vẫn thực hiện một cách ổn định. UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh một cách thường xuyên, liên tục và khá nhiều.

4 giải pháp trước mắt của Bộ Y tế khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay, Bộ Y tế đang cùng các cơ quan chức năng từng bước tháo gỡ. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 4-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Theo đó, có 4 giải pháp trước mắt:

Thứ nhất, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về đảm bảo thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế. Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, và danh mục thuốc đàm phán tại trung ương và địa phương. Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Về giải pháp lâu dài, hiện Bộ Y tế đang xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Trang thiết bị y tế.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó ngày 29-6, Văn phòng Chính phủ phát đi Văn bản 4035 truyền đạt ý kiến của Thường trực Chính phủ về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế.

Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để ban hành trước ngày 4-7-2022 các quy định. Hướng dẫn theo thẩm quyền nhằm khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương; chỉ đạo các tỉnh, các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Bộ Tài chính chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để thực hiện yêu cầu nêu trên.

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang có Công văn 1867 ngày 28-4-2020 và Công văn 3026 ngày 8-6-2022 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu một số nội dung liên quan đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh để phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho nhanh chóng, hiệu quả hơn; hạn chế việc tập trung quá nhiều công việc có thể phân cấp về UBND tỉnh.

Vì vậy, tại Tiền Giang, nhìn chung hầu hết các cơ sở y tế đã có chuẩn bị khá tốt về cung ứng thuốc như xây dựng kế hoạch và thực hiện việc mua thuốc thường xuyên, liên tục để đáp ứng cho công tác điều trị, không có tình trạng thiếu nhiều các loại thuốc như một số tỉnh và các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... 

Qua tìm hiểu tại Trung tâm Y tế của 11 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Tiền Giang và tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh, gồm Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy và Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế có xảy ra tại các địa phương.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị này, tình trạng thiếu thuốc phục vụ bệnh nhân không phải xảy ra thường xuyên mà chỉ mang tính chất thời điểm. Để đảm bảo công tác điều trị bệnh hiệu quả, các đơn vị sử dụng biện pháp thay thế thuốc không có hàng bằng loại thuốc khác có hàm lượng và công dụng điều trị tương tự. Tuy nhiên, một số đơn vị như  Trung tâm Y tế các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông… tại một số thời điểm có thiếu một số thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài thuốc thông dụng, cũng có một số cơ sở y tế đang bị thiếu một số mặt hàng thuốc thiết yếu. Tại 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh nói trên đều thiếu một số thuốc đặc trị sử dụng cho bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng độ nặng. Bác sĩ Nguyễn Văn Luận, Quyền Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy cho biết, đơn vị không còn dung dịch cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết nặng là dung dịch Dextran 40, Hydroxyethyl starch 200 (Refortan) và thuốc điều trị bệnh tay chân miệng như mặt hàng Intratect (Immune globulin).

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa  trung tâm Tiền Giang.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.

Tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Dược sĩ Trần Hữu An, Trưởng khoa Dược của bệnh viện cho biết, bệnh viện bảo đảm dịch truyền, thuốc trong điều trị sốt xuất huyết và tay chân miệng. Tuy nhiên, một số mặt hàng dung dịch cao phân tử như Dextran 40, Hydroxyethyl starch 200 (Refortan) không có hàng. Bệnh viện không tìm được nguồn cung cấp trên thị trường, gây khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng; mặt hàng Intratect (Immune globulin) cũng không có hàng và gây khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân tay chân miệng. Riêng về tình hình cung ứng hóa chất, bệnh viện bảo đảm cung cấp đủ hóa chất để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

THIẾU THUỐC DO ĐÂU?

"Sở Y tế đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, báo cáo Bộ Y tế để được nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung hoặc trình Chính phủ, Quốc hội chỉnh sửa, bổ sung những quy định không còn phù hợp trong việc mua sắm, cung ứng thuốc. Sở Y tế cũng tiếp tục trình UBND tỉnh kiến nghị BHXH Việt Nam và Bộ Y tế về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT và xem xét tạm ứng ngân sách tỉnh cho các đơn vị để mua sắm thuốc thiết yếu phục vụ khám, chữa bệnh”.
BÁC SĨ CHUYÊN KHOA 2 TRẦN THANH THẢO, GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ TỈNH TIỀN GIANG

Lý giải về tình trạng thiếu thuốc, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho rằng, nguyên nhân của việc thiếu thuốc cục bộ này là do nhu cầu sử dụng tăng cao sau dịch Covid-19, vượt quá số thuốc đã mua, mặc dù trước đó, các cơ sở đã chủ động lập kế hoạch đấu thầu thuốc để phục vụ công tác điều trị.

Một nguyên nhân nữa là, các công ty cung cấp thuốc không cung ứng cho đơn vị vì đơn vị nợ tiền thuốc quá lâu và quá nhiều, đây là do nợ dây chuyền xuất phát từ việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) nợ tiền thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) của đơn vị, đơn vị nợ lại tiền thuốc các công ty.

Từ đó, các đơn vị y tế thiếu kinh phí trả tiền thuốc, mặc dù thuốc còn thời gian thực hiện hợp đồng. Việc BHXH nợ tiền thuốc do chi phí khám, chữa bệnh BHYT đã được thẩm định nhưng vượt quỹ, vượt dự toán, vượt định mức kinh tế kỹ thuật vật tư y tế, vượt tổng mức thanh toán nhưng chờ ý kiến BHXH Việt Nam của toàn tỉnh từ năm 2016 đến quý I, II năm 2021 là trên 234 tỷ đồng, và chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa được thẩm định của quý III, IV năm 2021 và quý I năm 2022 là trên 232 tỷ đồng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Linh lý giải thêm về tình trạng thiếu hụt thuốc và vật tư y tế là do các nguyên nhân như nhiều mặt hàng thuốc không trúng thầu do các nhà thầu không tham dự thầu vì hết số đăng ký lưu hành mà Bộ Y tế chưa thực hiện gia hạn số đăng ký lưu hành thuốc (khoảng 10.000 mặt hàng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 29 ngày 29-4-2022 của Chính phủ).

Một số thuốc đang bị thiếu do nguồn cung ứng trên toàn quốc vì phải nhập từ nước ngoài nên bị gián đoạn như dung dịch cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết nặng (dung dịch Dextran 40, Hydroxyethyl starch 200, Refortan) và thuốc điều trị bệnh tay chân miệng như mặt hàng Intratect (Immune globulin); tỷ lệ trúng thầu qua các lần đấu thầu không đạt 100% kế hoach vì nhà thầu không tham dự đấu thầu hoặc tham dự nhưng giá cao hơn giá kế hoạch. Bởi theo nguyên tắc đấu thầu thì giá kế hoạch lần sau không cao hơn lần trúng thầu trước đó, nhưng giá thuốc của nhà thầu tăng cao do chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, chi phí vận chuyển tăng, các chi phí khác đều tăng. Từ đó, dù có tổ chức đấu thầu, nhưng tỷ lệ các loại thuốc không trúng thầu vẫn nhiều và như vậy cũng gây thiếu thuốc do vướng cơ chế quy định.

* BÁC SĨ CHUYÊN KHOA 2 TRẦN THANH THẢO, GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ TỈNH TIỀN GIANG: Việc thiếu thuốc sẽ còn diễn ra trong thời gian tới

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, dự báo trong thời gian tới, Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

Việc thiếu thuốc là do một số nguyên nhân khách quan như một số thuốc đang bị thiếu do nguồn cung ứng bị gián đoạn, do không nhập khẩu được, hết số đăng ký và thuốc đã hết hạn sử dụng. Một số đơn vị thiếu kinh phí mua thuốc, mặc dù thuốc còn thời gian thực hiện hợp đồng, vì công ty không giao hàng do các đơn vị nợ tiền mua thuốc.

Việc nợ tiền thuốc do chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thẩm định nhưng vượt quỹ, vượt dự toán, vượt định mức kinh tế kỹ thuật vật tư y tế, vượt tổng mức thanh toán chờ ý kiến Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam của toàn tỉnh từ năm 2016 đến quý I, II năm 2021 là hơn 234 tỷ đồng, gồm huyện Chợ Gạo, Châu Thành và Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công do BHXH chưa thanh toán quý IV năm 2021, đang chờ UBND tỉnh có ý kiến về việc thanh toán hóa đơn năm 2021 trong năm 2022 theo đề nghị tại Văn bản 1201 ngày 4-5-2022 của Sở Tài chính.

Đối với một số thuốc thuộc danh mục thuốc do cơ sở tự tổ chức lựa chọn nhà thầu có nhu cầu sử dụng rất ít và có giá trị thấp nên khi đấu thầu không có nhà thầu tham dự. Quy trình thực hiện đấu thầu qua các bước nên thời gian thực hiện đấu thầu kéo dài, khi có kết quả mà không lựa chọn được nhà thầu do giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch, vì giá thuốc thị trường đã tăng phải thực hiện đấu thầu lại.

Chưa có văn bản hướng dẫn cho phép nhượng thuốc giữa 2 cơ sở khám, chữa bệnh đối với thuốc đã mua về kho, để tránh tình trạng thuốc hết hạn dùng ở cơ sở thừa và cơ sở thiếu thuốc sử dụng (nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu giữa các cơ sở, nhà thầu không tham dự, giảm chi phí đấu thầu, thuốc hết hạn dùng phải hủy gây lãng phí).

Đấu thầu các vị thuốc cổ truyền áp dụng Thông tư 38 ngày 31-12-2021 của Bộ Y tế không lựa chọn được nhà thầu, vì theo Thông tư 38 quy định vị thuốc cổ truyền phải có giấy phép đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, phần lớn vị thuốc cổ truyền chưa được cấp số đăng ký lưu hành. Bác sĩ Trần Thanh Thảo cho biết.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Thảo cũng cho rằng, các thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu, gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc.

Một số cán bộ chuyên môn y tế nhưng phải thực hiện nhiệm vụ đấu thầu mua sắm thuốc, hạn chế nhiều về nghiệp vụ (dù đã được tập huấn, bồi dưỡng) đang có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, không muốn tiếp tục nhiệm vụ sau những đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… đã phát hiện có quá nhiều sai phạm (tuy không phải là tiêu cực).

Đối với vắc xin tiêm ngừa dịch vụ, đa số vắc xin chỉ có một giá trúng thầu, không có tính cạnh tranh, mỗi mặt hàng chỉ có một hoặc hai công ty cung cấp. Kiến nghị Bộ Y tế bổ sung vắc xin tiêm ngừa dịch vụ vào danh mục đàm phán giá để các địa phương áp dụng thực hiện.

* BÁC SĨ NGUYỄN VĂN LUẬN, QUYỀN GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC CAI LẬY: Cần một cơ chế mở

Để giải quyết tình trạng thiếu một số mặt hàng thuốc điều trị cho bệnh nhân, Bác sĩ Nguyễn Văn Luận, Quyền Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy cho biết, thời gian qua, bệnh viện thực hiện sử dụng biện pháp thay thế thuốc không có hàng bằng thuốc khác có công dụng tương đương. Do đó, bệnh viện vẫn đảm bảo thuốc điều trị cho bệnh nhân. Riêng đối với những thuốc đặc trị do không có hàng nên bệnh viện thực hiện chuyển bệnh nhân sốt xuất huyết và tay chân miệng độ nặng lên bệnh viện tuyến trên.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Luận, đơn vị gặp một số khó khăn trong việc mua sắm thuốc, trong đó những loại thuốc đấu thầu tập trung không trúng thầu thì đơn vị phải làm thủ tục đấu thầu lại, đôi khi đấu thầu vài lần vẫn không có đơn vị trúng thầu cung ứng. Những trường hợp đó thì đơn vị xin mua đơn hàng để phục vụ bệnh nhân dưới hình thức chỉ định thầu hoặc chỉ định thầu rút gọn.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì đối với mặt hàng vật tư y tế, đơn vị được mua đơn hàng dưới 100 triệu đồng; đơn hàng trên 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng do Sở Y tế phê duyệt và đơn hàng lớn hơn 500 triệu đồng thì do UBND tỉnh phê duyệt. Riêng đối với thuốc thì toàn bộ đều phải do UBND tỉnh phê duyệt nên thủ tục cũng kéo dài trên dưới 1 tháng. Để rút ngắn thời gian, đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Văn Luận kiến nghị UBND tỉnh cho cơ chế mua thuốc như mua sắm vật tư y tế.

THỦY HÀ

.
.
.