Thứ Bảy, 23/07/2022, 10:19 (GMT+7)
.
TIẾN SĨ - BÁC SĨ ĐỖ QUANG THÀNH, PHÓ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG TÂM TIỀN GIANG:

Sốt xuất huyết dễ chuyển nặng và gây tử vong

Hiện tại, Tiền Giang đang xếp trong nhóm đầu của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về số ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Tình hình SXH trên thế giới nói chung và khu vực nói riêng vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, phòng, chống SXH đang là trách nhiệm của tất cả mọi người. Tiến sĩ - Bác sĩ (TS.BS) Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh  viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã có những chia sẻ về bệnh SXH:

 

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh SXH đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp. Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh là Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4.

SXH là bệnh phổ biến ở Việt Nam với ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1963. Hiện nay, bệnh xuất hiện chủ yếu ghi nhận ở khu vực phía Nam, duyên hải miền Trung và ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại Tiền Giang, SXH là dịch bệnh lưu hành địa phương và đã trải qua những trận dịch lớn gần đây vào các năm 2004, 2007, với hơn 12.000 trường hợp mắc và 12 trường hợp tử vong.

SXH xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh SXH dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến SXH dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

* Phóng viên (PV): Diễn biến của bệnh SXH như thế nào, thưa bác sĩ?

* TS.BS Đỗ Quang Thành: Bệnh SXH trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Trong giai đoạn sốt, người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 400C, sốt liên tục, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm nhiệt độ; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt và thường có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Trong giai đoạn nguy hiểm, thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, bệnh nhân có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện sau: Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ); tràn dịch màng phổi với biểu hiện đau ngực, cảm giác tức nặng ngực, đau ngực tăng khi thay đổi tư thế, khó thở; tràn dịch màng bụng với biểu hiện bụng to nhanh, chướng bụng, khó thở.

Gan to khiến đau tức vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc do giảm khối lượng tuần hoàn với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít...

Xuất huyết dưới da tạo ra nốt xuất huyết hoặc mảng xuất huyết thường ở mặt trước hai chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn. Xuất huyết ở niêm mạc gây chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não với biểu hiện nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh...

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Giai đoạn hồi phục sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch, giai đoạn này kéo dài 48 - 72 giờ. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Xét nghiệm các chỉ số dần trở về bình thường.

* PV: Như vậy, người dân cần làm gì khi nghi ngờ mắc SXH, thưa bác sĩ?

* TS.BS Đỗ Quang Thành: Với SXH, sau khi bị muỗi mang vi rút SXH đốt, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao 3 - 4 ngày đầu kèm đau mỏi khắp người thì sẽ lui sốt. Nhưng chính giai đoạn lui sốt này xuất hiện các biến chứng hạ tiểu cầu hoặc cô đặc máu và thiếu thể tích tuần hoàn gây tụt huyết áp, sốc…

TS.BS Đỗ Quang Thành (bìa phải) thăm bệnh nhân SXH nặng đang được điều trị tại Khoa Hồi sức chống độc nhi, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.
TS.BS Đỗ Quang Thành (bìa phải) thăm bệnh nhân SXH nặng đang được điều trị tại Khoa Hồi sức chống độc nhi, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.

Cho nên người dân không nên chủ quan và cần đặc biệt lưu ý giai đoạn nguy hiểm này (từ ngày thứ 4 - 7 của bệnh), bằng cách đi khám và xét nghiệm máu hằng ngày, xác định nguy cơ hạ tiểu cầu và cô đặc máu.

Nếu bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện đe dọa như li bì (ở trẻ nhỏ), mệt mỏi, buồn nôn hoặc xuất hiện chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài, nên đến bệnh viện ngay để kịp thời điều trị vì có thể diễn tiến nặng trong 1 vài giờ tới.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh SXH là sốc do giảm thể tích máu lưu hành hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu đặc biệt là xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, nguy cơ gây tử vong rất cao.

Vì vậy, trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, do đó người bệnh khi có những dấu hiệu trên cần phải tới các cơ sở y tế, bệnh viện khám ngay và bản thân người thầy thuốc cần phải tỉ mỉ khi thăm khám và phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh, đồng thời có kế hoạch xử trí thích hợp.

* PV: Theo bác sĩ, mỗi người cần làm gì để đẩy lùi dịch SXH trong giai đoạn hiện nay?

* TS.BS Đỗ Quang Thành: Chúng ta thấy, các hoạt động phòng, chống SXH đã được triển khai thực hiện nhiều năm nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Điều này được phản ánh qua số lượng gia tăng các ca SXH và sự lan tràn nhanh chóng về mặt địa lý của căn bệnh tại tất cả các quốc gia trong khu vực.

Tại sao phòng, chống SXH lại khó khăn như vậy? Có nhiều lý do, song có một yếu tố quan trọng là tồn tại môi trường sinh sản của muỗi. Để phòng, chống SXH, điều quan trọng là phải kiểm soát các loại muỗi truyền vi rút SXH, phải loại trừ cho được môi trường nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng phát triển mạnh trước khi trưởng thành.

Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước nhỏ trong các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là nếu không có những nỗ lực của từng hộ gia đình trong việc loại trừ môi trường đẻ trứng của muỗi, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn hiệu quả sự lan tràn của bệnh SXH.

Muỗi sinh sản trong nhà có thể truyền bệnh SXH cho những người trong nhà và xung quanh. Nói cách khác, nỗ lực kiểm soát số lượng muỗi của cá nhân là điều cần thiết để phòng, chống sự lây lan SXH trong cộng đồng. Đồng thời, hành động của cộng đồng cũng có thể khuyến khích các cá nhân giữ cho hộ gia đình của mình không có muỗi.

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.