Thứ Hai, 01/08/2022, 10:18 (GMT+7)
.

Đóa hoa trong "tâm bão Covid-19"

Giữa trưa hè mà tôi nghe rờn rợn, lành lạnh sống lưng theo từng lời kể của Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Mai Nhiên, Phó Khoa Nội B, Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) Tiền Giang. Căn phòng nhỏ - nơi nghỉ ngơi cho bác sĩ trực của khoa cũng như chìm trong lạnh lẽo. Hình ảnh những ngày đầu của Trung tâm Hồi sức Covid-19 đặt ở Bệnh viện Dã chiến (BVDC) số 2 (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang) đã chiếm lĩnh toàn bộ cảm xúc của tôi. Đó là những ngày tỉnh Tiền Giang có 2 người đầu tiên tử vong do Covid-19, là những ngày người dân Việt Nam và cả nhân dân thế giới gần như tê điếng trong sợ hãi với dịch bệnh này.
 

Thời điểm này, ngoài đường không xe cộ, không một bóng người, chợ búa, hàng quán, nhà cửa… đóng im ỉm. Đêm đêm tiếng còi xe cấp cứu mang âm thanh chết chóc, thê lương dội lên khắp phố phường. Ngay lúc ấy, bác sĩ (BS) Mai Nhiên, người phụ nữ 40 tuổi, mẹ của 3 đứa con gái nhỏ đã nhận lệnh ra tuyến đầu chống dịch. Sau 16 năm kể từ khi tốt nghiệp Đại học Y, chưa bao giờ Mai Nhiên nhận nhiệm vụ mà cảm xúc lại đan xen giữa hồi hộp, lo sợ với háo hức dấn thân… như thế.

“5 giờ chiều cuối tuần hôm ấy, ngày 15-7-2021, tôi nhận được cuộc gọi từ Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ, Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang với nội dung cuộc trò chuyện rất ngắn gọn là được bệnh viện tín nhiệm cử lên điều hành Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại BVDC số 2, cố gắng sắp xếp đi sớm…”, BS Mai Nhiên nhớ lại.

Dù BS Mai Nhiên cũng như các đồng nghiệp luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng “ra trận”, nhưng cô không khỏi lo lắng, bởi chuyên môn của Mai Nhiên là nội tiêu hóa. Vả lại, Nhiên còn 3 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới 10 tuổi, đứa nhỏ cũng chỉ 3 tuổi. Dù Nhiên sống chung với mẹ, nhưng mẹ cô còn phải trông giữ 3 đứa cháu nội (còn nhỏ hơn con của Nhiên) là con của vợ chồng em trai Nhiên đi làm xa không về được. Cùng đi với BS Mai Nhiên khi đó còn có BS Hoàng Vân - một BS đã nghỉ hưu tình nguyện vào BVDC số 2 giúp sức, vậy là Nhiên an tâm lên đường nhận nhiệm vụ.

Đêm ấy, đêm trước khi “ra trận” không thể nói hết sự lo lắng, bồn chồn; sự quyến luyến không rời của gia đình và Mai Nhiên. Người đi lo cho người ở nhà thiếu bàn tay chăm sóc, người ở nhà lại lo cho người đi vào nơi gian lao, nguy hiểm. Nếu không may…, mẹ Nhiên khóc, còn Nhiên níu chặt không buông, chồng Nhiên (kỹ sư xây dựng Đỗ Hiếu Liêm) thì rất buồn. May mà lúc này do dịch bệnh, công ty anh Liêm đóng cửa nên anh ở nhà phụ mẹ Nhiên chăm lo cho 6 đứa trẻ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho BS Mai Nhiên.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho BS Mai Nhiên.

Sáng hôm sau (thứ bảy), Mai Nhiên mang ba lô, một mình chạy xe máy lên BVDC số 2 nhận nhiệm vụ. Và ngay tức thì, BS Mai Nhiên được phân công trực hồi sức - cấp cứu thay cho một BS vắng mặt. Trung tâm Hồi sức Covid-19 của BVDC số 2 có 6 BS, chia làm 3 kíp trực, mỗi kíp chỉ có 2 BS và 2 điều dưỡng làm việc trực tiếp (4 điều dưỡng còn lại làm công việc giấy tờ, hành chính…) mà phải phục vụ cho 30 bệnh nhân Covid-19 nặng đang thở máy, sắp thở máy và 30 bệnh nhân thường.

BS Mai Nhiên cho biết, đối với bệnh nhân thở máy thì phải chích thuốc, thay tã, đổ bô, đổ bình hút đàm, bình nước tiểu, súc rửa, lau mình, thay đồ, rồi xoay trở bệnh nhân… Khi ấy, BS và điều dưỡng đều như nhau, đều phải làm những công việc đó trong tình trạng mặc đồ bảo hộ kín mít.

Ngày đầu tiên nhận việc là ngày chủ nhật nhưng Nhiên cứ làm và làm, hết chăm sóc bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, quay cuồng với công việc mà quên cả giờ giấc. Khi ngoài cổng BVDC số 2 có tiếng còi xe cấp cứu thì cũng chính lực lượng BS, điều dưỡng ít ỏi này phải người khiêng, người bóp bóng để đưa bệnh nhân lên lầu I, hoặc lầu II bằng đôi chân của mình mà không dám đi thang máy vì sợ làm lây nhiễm dịch bệnh do đây là thang máy duy nhất để chuyển thức ăn.

Tới giờ ăn, bộ đội đem cơm vào các phòng, BS và điều dưỡng phải đút cơm cho các bệnh nhân nặng. Khi thấy mình đuối quá, chân đi không vững, Mai Nhiên nhìn lại đồng hồ mới biết mình đã làm việc suốt 7 giờ đồng hồ không nghỉ ngơi.

Ngày và đêm hôm sau là thời gian BS Mai Nhiên được nghỉ, nhưng cô vẫn phải khảo sát thực tế cơ sở vật chất của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, xem có bao nhiêu phòng, bao nhiêu giường, tủ, bàn, ghế… để chuẩn bị cho Phòng Hồi sức, rồi vẽ sơ đồ bố trí Trung tâm Hồi sức Covid-19, dự trù vật tư y tế cần được bổ sung…

Khi xong việc, Mai Nhiên lại quay vào hỗ trợ đồng nghiệp. Và lần đầu tiên, BS Mai Nhiên chứng kiến hậu quả của sự “quá tải”, thiếu nguồn oxy dự trữ. Trưa hôm ấy, các máy thở đồng loạt phát ra tiếng kêu báo hiệu hết oxy và nhiều bệnh nhân kêu rên “Khó thở!”. Các BS và điều dưỡng lại gấp rút tháo máy thở khỏi mặt bệnh nhân, nhảy vào bóp bóng…

Ngày nào cũng vậy, BS Mai Nhiên và các BS, điểu dưỡng Trung tâm Hồi sức Covid-19 của BVDC số 2 cũng làm việc suốt 24 giờ mới nghỉ được 2 giờ, cứ 7 giờ sáng vô khám bệnh, tiêm thuốc, làm vệ sinh cho bệnh nhân…; đến 11 giờ được thay ra ăn cơm, sau đó trực camera, xem bệnh, ghi hồ sơ...

Theo quy định, cứ 4 giờ phải ghi hồ sơ một lần, mà có tới 60 hồ sơ, đó là lúc bệnh nhân không có diễn biến phức tạp của bệnh. Còn nếu bệnh diễn tiến, bệnh nhân tuột huyết áp, hạ oxy… thì tất cả phải tập trung, cả kíp trực 4 người gồm BS và điều dưỡng đều phải cùng “chiến đấu”… “

Tới giờ mà nỗi ám ảnh về bộ đồ bảo hộ kín mít, trắng toát còn làm tôi ghê sợ, bởi nó vướng víu, bức bối, ngột ngạt đến khó thở… Mặc bộ đồ này vô rồi thì không ngửi được mùi và không bao giờ mắc tiểu, vì đơn giản là mình không uống nước được, lại ra nhiều mồ hôi. Khi cởi đồ bảo hộ ra, mồ hôi đọng ướt như tắm, màu da tái nhợt, chân tay tê móp…”, BS Mai Nhiên chia sẻ.

BS Mai Nhiên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức Covid-19  của BVDC số 2.
BS Mai Nhiên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 của BVDC số 2.

Đêm, các phòng bệnh vắng ngắt, chỉ có tiếng máy thở bao trùm và ánh sáng trắng bạch lạnh lẽo. BS Mai Nhiên lướt qua các dãy phòng, dừng lại bên các bệnh nhân đang thở nặng nhọc, họ nhướng đôi mắt lờ đờ nhìn Mai Nhiên như muốn nói điều gì.

Nỗi xót xa trào dâng trong lòng người thầy thuốc, biết làm sao để cho họ vơi bớt sự lẻ loi cô độc vì không có người thân bên cạnh. Đau biết bao nhiêu, nếu phải ra đi thì họ cũng ra đi một mình, không có người thân đưa tiễn! Ôi, sao mà như ai xát muối tâm cang! Vì vậy, đối với BS Mai Nhiên đây là một cuộc chiến không ngừng nghỉ với kẻ thù vô hình.

Ngày nào cũng có thêm nhiều bệnh nhân mới và thêm người ra đi. Đòn tấn công của “địch Covid-19” luôn dồn dập và chưa hề có dấu hiệu giảm bớt, buộc những “chiến sĩ áo trắng” như BS Mai Nhiên cùng bệnh nhân của mình chống đỡ mỗi giờ, mỗi ngày…

Đêm đầu tiên, BS Mai Nhiên chứng kiến 3 bệnh nhân ra đi và chính cô cùng các đồng nghiệp của mình quấn họ vào vải liệm, rồi khiêng xuống để vào phòng chứa tử thi.

Tôi hỏi Mai Nhiên: “Em có sợ không?”.

Mai Nhiên nói: “Em từng làm hồi sức nên đã quen với chết chóc, tử thi; chỉ thương các bạn mới vào nghề với tâm lý rất hoảng, nhưng phải gồng mình chịu đựng”.

Đến ngày 29-7-2021, tỉnh thành lập Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 tỉnh Tiền Giang, đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, BS Mai Nhiên được điều về trung tâm làm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, đây là sự chia lửa kịp thời, đáp ứng tình hình dịch đang bùng phát dữ dội lúc bấy giờ.

BS Mai Nhiên cho biết, trung tâm có 4 BS, 6 điều dưỡng, BS Mai Nhiên xếp 3 ca, 4 kíp trực để thay nhau nghỉ ngơi. Những ngày cuối tháng 7-2021, Trung tâm chỉ có 16 bệnh nhân, đến giữa tháng 8-2021 có 60 bệnh nhân, cuối tháng 8 lên tới 100 bệnh nhân, toàn bệnh nặng phải thở máy, các BS, điều dưỡng phải chăm bệnh từ “A đến Z”.

Trung tâm có 60 máy thở nội khí quản, 60 máy oxy dòng cao, đủ đáp ứng nhu cầu, nhưng nhân lực thiếu trầm trọng. Theo biên chế, Mai Nhiên là BS quản lý, nhưng công việc hằng ngày là vừa làm BS điều trị, vừa hướng dẫn... Mai Nhiên có mặt ở tất cả các ca trực để hướng dẫn, giúp đỡ các đồng nghiệp. Cứ chỗ nào thiếu, chỗ nào cần là Mai Nhiên nhảy vào, từ việc dự trù vật tư, trang thiết bị cho đến sắp xếp ca trực…

Tính từ buổi sáng Mai Nhiên vác ba lô lên đường nhận nhiệm vụ, đến lúc trở về (ngày 1-1-2022) là 5 tháng ròng rã xa nhà, nhớ con héo cả ruột gan nhưng đến lúc về nhà thì cô không dám đến gần con, vì sợ lây bệnh cho con.

Tôi hỏi Mai Nhiên: “Em làm nhiều việc vậy, có được bồi dưỡng thêm không?”.

Mai Nhiên thật thà nói: “Ngoài lương thường xuyên, tụi em được nhận thêm một khoản bồi dưỡng. Tùy vào thời gian làm việc của từng người, điều dưỡng trưởng chấm công, làm căn cứ trợ cấp cụ thể. Riêng em, trung bình nhận được 7,5 triệu đồng mỗi tháng, tháng cao nhất được 9 triệu đồng”.

Tôi ngồi đầu này của chiếc bàn, nhìn BS Mai Nhiên bên kia, tôi muốn tìm hiểu xem người phụ nữ với làn da ngâm ngâm không son phấn, và trong nụ cười mộc mạc hồn nhiên đã có cái gì làm nên một Mai Nhiên với sức mạnh dẻo dai, một “tinh thần thép”? Tay nghề cao, chuyên môn vững, trình độ tốt… là do quá trình học tập, mày mò nghiên cứu mà có; còn tình thương dành cho người bệnh, tinh thần sẵn sàng dấn thân vào nơi khó khăn, nguy hiểm để cứu người... thì từ tâm mà ra.

Cái tâm của người thầy thuốc quan trọng biết bao, nó quyết định cho sự nông sâu của y đức và BS Mai Nhiên là một thầy thuốc như thế, rất xứng đáng được tỉnh Tiền Giang chọn đi dự Họp mặt các thầy thuốc tiêu biểu tổ chức ở Hà Nội nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 và được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm.

Đặc biệt, trong tháng 7-2022, Mai Nhiên nhận bằng Bác sĩ chuyên khoa 2 và mừng cho tỉnh nhà có thêm một thầy thuốc giỏi.

Bút ký của NHÃ NHƯỜNG

.
.
.