Tăng cường công tác phòng, chống dịch, tiêm chủng và an toàn tiêm chủng
(ABO) Sáng 2-8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch (PCD) bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng. Hội nghị kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. Đồng chí Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Điểm cầu tại Sở Y tế Tiền Giang do Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì.
Điểm cầu tại Sở Y tế Tiền Giang. |
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã rất nỗ lực quyết tâm vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
Thời gian gần đây, có các công điện, chỉ thị để tiếp tục chỉ đạo công tác PCD, công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19. Đến nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, các hoạt động dần dần trở lại bình thường.
Bệnh đậu mùa khỉ và các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác được theo dõi chặt chẽ, bám sát theo dõi diễn biến tình hình dịch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế sự lây lan trong nước.
Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như: Cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng được kiểm soát quyết liệt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, công tác PCD vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu.
Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp PCD, chưa có sự vào cuộc phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành Y tế trong công tác PCD.
Đặc biệt, tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 ở một số địa phương chưa đạt tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Y tế đã đề ra, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; thậm chí có một số né tránh tiêm vắc xin ở một bộ phận người dân.
Theo Bộ Y tế, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác là hiện hữu khi dịch bệnh đã lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đồng chí Đào Hồng Lan nhấn mạnh, các địa phương và đơn vị cần đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia công tác PCD, nhất là công tác tiêm chủng vắc xin; đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai hướng dẫn các địa phương đảm bảo kinh phí, nguồn lực để triển khai các biện pháp PCD và kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan, nhất là việc đảm bảo chế độ, chính sách, động viên, khen thưởng đối với các lực lượng PCD…
THANH HOÀNG