.

Đánh giá chất lượng nước sinh hoạt khắt khe và chặt chẽ hơn

Cập nhật: 07:34, 17/09/2022 (GMT+7)

Kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong 6 tháng đầu năm 2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang cho thấy, việc thực hiện ngoại kiểm, giám sát 19/91 thông số được quy định trong QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế nên việc đánh giá chất lượng nước có khắt khe và chặt chẽ hơn các quy định cũ (QCVN 01:2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế) đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Do đó, kết quả phân tích chất lượng nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt của các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt năm nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thấp hơn các năm trước.

Căn cứ Thông tư 41 ngày 14-12-2018 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt; các quyết định, chỉ thị, công văn của UBND tỉnh, Sở Y tế và CDC Tiền Giang về quản lý tài nguyên nước; kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt năm 2022; CDC Tiền Giang thành lập Đoàn ngoại kiểm và đã thực hiện kiểm tra, giám sát những nội dung công tác ngoại kiểm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại TP. Mỹ Tho và huyện Châu Thành.

Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Diệu. Phó Giám đốc CDC Tiền Giang cùng các thành viên đoàn ngoại kiểm vừa thực hiện kiểm tra, giám sát những nội dung công tác ngoại kiểm nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Diệu. Phó Giám đốc CDC Tiền Giang cùng các thành viên đoàn ngoại kiểm vừa thực hiện kiểm tra, giám sát những nội dung công tác ngoại kiểm nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đoàn ngoại kiểm đã xem xét hồ sơ pháp lý của đơn vị cấp nước, gồm: Giấy phép đăng ký kinh doanh, Quyết định thành lập đơn vị cấp nước; Giấy phép khai thác, sử dụng nước; Hồ sơ quản lý nội kiểm chất lượng nước trong năm 2022. Hướng dẫn các đơn vị cấp nước thực hiện nội kiểm và công khai thông tin chất lượng nước theo quy định Thông tư 41 của Bộ Y tế.

Thực hiện lấy mẫu giám sát 3 mẫu/1 đơn vị cấp nước gửi Khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh - CDC Tiền Giang phân tích, đánh giá. Mẫu giám sát gồm 19 thông số; trong đó thông số nhóm A gồm 7 thông số, nhóm B gồm 12 thông số. Bên cạnh đó, đoàn ngoại kiểm test nhanh Clo dư tại các điểm lấy mẫu đối với các đơn vị cấp nước có sử dụng Clo làm phương pháp khử trùng.

CÁC CÔNG TY NƯỚC CHƯA THỰC HIỆN NỘI KIỂM ĐẦY ĐỦ CÁC THÔNG SỐ NHÓM B

Cụ thể, tổng số cơ sở cấp nước do Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang (Công ty) quản lý trên địa bàn TP. Mỹ Tho và huyện Châu Thành là 17 cơ sở cấp nước. Đến thời điểm kiểm tra các cơ sở cấp nước của Công ty đã thực hiện nội kiểm đúng tần suất và số lượng mẫu thử nghiệm đối với các thông số nhóm A theo QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế, chất lượng nước nội kiểm đạt theo quy chuẩn, đơn vị có lập báo cáo và công khai thông tin chất lượng nước đúng theo quy định.

Các thông số nhóm A chủ yếu được thực hiện tại Phòng Xét nghiệm của Công ty, trong 7 thông số nhóm A chỉ có thông số độ pH được chứng nhận ISO 17025. Riêng kiểm tra Nhà máy nước Đồng Tâm đã thực hiện nội kiểm đúng tần suất, số lượng mẫu của các thông số nhóm A, chất lượng nước nội kiểm đạt theo quy chuẩn, đơn vị có lập báo cáo và công khai thông tin chất lượng nước theo đúng quy định. Tuy nhiên, 2 đơn vị cấp nước trên của công ty vẫn chưa thực hiện nội kiểm đầy đủ các thông số nhóm B của QCVN 01-1:2018/BYT.

Ngoài ra, trên địa bàn TP. Mỹ Tho, các cơ sở cung cấp nước thuộc công ty, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác… có 30 trạm cấp nước (cơ sở) được ngoại kiểm. Trong thời gian thực hiện ngoại kiểm, tổng số trạm có thực hiện nội kiểm và lập báo cáo là 14 trạm.

Tuy nhiên, chỉ có 3 cơ sở cấp nước thực hiện đạt về số lượng và tần suất thực hiện nội kiểm thông số nhóm A. Về chất lượng nước nội kiểm có 5 cơ sở cấp nước có các thông số nội kiểm vượt mức giới hạn cho phép. Các thông số vượt mức giới hạn cho phép gồm độ đục và Coliforms. Và tất cả các cơ sở cấp nước đều chưa thực hiện thử nghiệm nội kiểm các thông số nhóm B theo QCVN 01-1:2018/BYT.

NHIỀU MẪU NƯỚC SINH HOẠT KHÔNG ĐẠT QCVN 01-1:2018/BYT CỦA BỘ Y TẾ

Cụ thể, khu vực TP Mỹ Tho tổng số mẫu giám sát là 93 mẫu/31 trạm cấp nước. Kết quả phân tích 19 thông số nhóm A, B theo QCVN 01-1:2018/BYT có 31/93 mẫu đạt (33,3%); số mẫu không đạt là 62/93 mẫu (67,7%).  Các thông số vượt mức giới hạn cho phép của QCVN 01-1:2018/BYT  gồm: Asen (9 mẫu), Độ đục (2 mẫu), Nitrit (10 mẫu), Amonia (1 mẫu), Độ mặn (3 mẫu), Coliforms (39 mẫu), Ecoli (15 mẫu), Pseudomonas aeruginosa (33 mẫu).

Tại huyện Châu Thành, tổng số mẫu giám sát là 220 mẫu/74 trạm cấp nước. Kết quả phân tích 19 thông số nhóm A, B theo QCVN 01-1:2018/BYT có 74/220 mẫu đạt (33,6%); số mẫu không đạt là 146/220 mẫu (66,4%); số trạm cấp nước có các mẫu thử nghiệm đạt theo QCVN 01-1:2018/BYT là 19/74 trạm (25,7%).

Nguyên nhân kết quả phân tích chất lượng nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt của các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt năm nay đạt thấp hơn các năm trước là do việc thực hiện ngoại kiểm giám sát 19/91 thông số được quy định trong QCVN 01-1:2018/BYT nên việc đánh giá chất lượng nước có khắt khe và chặt chẽ hơn các quy định cũ (QCVN 01:2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT) đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2021.

Cụ thể, tỷ lệ các cơ sở cấp nước khu vực TP. Mỹ Tho cung cấp nước sạch không đạt quy chuẩn năm 2022 là 80,1% so với năm 2020 là 48%; còn huyện Châu Thành không đạt quy chuẩn năm 2022 là 74,3% so với năm 2020 là 42,1%.

NGUYÊN NHÂN CHẤT LƯỢNG NƯỚC SINH HOẠT ĐẠT THẤP

Ngoài việc do có sự thay đổi về mức giới hạn áp dụng để đánh giá chất lượng nước sạch đối với các thông số của QCVN 01-1:2018/BYT thì vẫn còn một số nguyên nhân dẫn đến chất lượng nước của các đơn vị cung cấp nước không đạt theo quy chuẩn.

Qua ghi nhận của Đoàn ngoại kiểm của CDC Tiền Giang vừa qua, là do ý thức trong việc thực hiện nội kiểm giám sát chất lượng nước định kỳ của các đơn vị cấp nước không thực hiện hoặc thực hiện nhưng không nghiêm túc dẫn đến không theo dõi được hiện trạng chất lượng nước cung cấp; từ đó không có giải pháp khắc phục kịp thời khi chất lượng nước thô suy giảm, đặc biệt đối với các trạm sử dụng nguồn nước nguyên liệu từ nguồn nước dưới đất.

Một số trạm cấp nước có hệ thống xử lý nhưng đã xuống cấp mà không được đầu tư sửa chữa hoặc đầu tư hệ thống xử lý không đạt hiệu quả, đúng kỹ thuật chuyên ngành nước; nhân viên vận hành không được đào tạo chính quy, có tay nghề.

Bên cạnh đó, các trạm cấp nước không sử dụng các phương pháp khử trùng đưa vào sản xuất (TP. Mỹ Tho có 1 cơ sở, huyện Châu Thành có 17 cơ sở hiện duy trì và có giám sát việc sử dụng Clo làm phương pháp khử trùng) nên chỉ có 46/93 (49,5%) mẫu khu vực TP. Mỹ Tho và 113/220 (51,3%) mẫu khu vực huyện Châu Thành đạt các thông số về vi sinh.

Hệ thống đường ống phân phối và bể chứa nước đã cũ, xuống cấp bị nứt vỡ, rò rỉ làm thất thoát nước, bị xâm nhập nước bẩn từ bên ngoài vào làm thay đổi lớn chất lượng nước sạch vốn có. Các mô hình quản lý cấp nước tồn tại nhiều mô hình quản lý thiếu tính chuyên nghiệp, phương thức hoạt động mang tính phục vụ, chưa ban hành quy chế quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước.

Các đơn vị cấp nước hầu hết không theo dõi thất thoát nước, không quản lý chặt nhân sự, điện năng tiêu thụ, các chi tiêu khác của đơn vị làm tăng chi phí sản suất nên không đảm bảo chi phí cho các hoạt động cần thiết của mình. Từ đó, đơn vị cấp nước không quan tâm đến chất lượng nước cung cấp cho người dân. Một số đơn vị cấp nước có số hộ cung cấp nước quá ít nên cũng không đảm bảo kinh phí để duy trì hoạt động của đơn vị.

CẦN THỰC HIỆN NỘI KIỂM CHẤT LƯỢNG NƯỚC THEO THÔNG TƯ 41 CỦA BỘ Y TẾ

Đối với các đơn vị cấp nước, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ngoại kiểm của CDC Tiền Giang đã lập biên bản ngoại kiểm, nhắc nhở và hướng dẫn chi tiết cho các cơ sở cung cấp nước thực hiện công tác nội kiểm chất lượng nước theo Thông tư 41 ngày 14-12-2018 của Bộ Y tế về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Đề nghị các cơ sở thực hiện lưu trữ thông tin và công khai kết quả nội kiểm chất lượng nước cấp cho người sử dụng, báo cáo kết quả nội kiểm chất lượng nước định kỳ cho cơ quan có thẩm quyền.

Đối với Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho và huyện Châu Thành, Đoàn ngoại kiểm của CDC Tiền Giang đề nghị: Xây dựng, củng cố lại hệ thống cơ sở dữ liệu của các đơn vị cấp nước để theo dõi sát chất lượng nước sạch trong công tác nội kiểm và ngoại kiểm.

Đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện báo cáo nội kiểm chất lượng nước của các đơn vị cấp nước do Trung tâm Y tế tuyến huyện quản lý; đồng thời, kiểm tra đối với các đơn vị cấp nước không nghiêm túc trong việc thực hiện nội kiểm. Tham mưu trình UBND cấp huyện và tỉnh xem xét, xử lý các đơn vị cấp nước vi phạm theo quy định của Nghị định 117 ngày 28-9-2020 của Chính phủ. Theo dõi, báo cáo việc khắc phục chất lượng nước sạch của các đơn vị cấp nước không đạt chất lượng.

Tham mưu, báo cáo đề xuất UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước được quy định tại Quyết định 27 ngày 26-9-2011 của UBND tỉnh Tiền Giang về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân cấp nước, người sử dụng nước trong hoạt động cấp nước và sử dụng nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

THANH HOÀNG

.
.
.