Hầu hết trẻ em nhiễm adenovirus nên được điều trị tại nhà
(ABO) Bé Trần Quốc H., 2 tuổi, bệnh ba ngày, sốt cao, ho, sổ mũi, mắt có ghèn vàng. Bác sĩ cho bé H. làm xét nghiệm máu, kết quả máu nghĩ nhiều đến bệnh nhiễm siêu vi, mà không phải là bệnh sốt xuất huyết.
Mẹ bé H. hỏi bác sĩ có phải bé bị nhiễm vi rút adeno không? Có cần nhập viện không? Vì chị đọc báo thấy đang có dịch nhiễm loại này ở trẻ em. Bác sĩ cho biết muốn biết chắc chắn thì phải làm xét nghiệm khuếch đại phân tử kháng nguyên PCR hoặc huyết thanh chẩn đoán. Tuy nhiên, nhiễm adenovirus ở trẻ em là bệnh nhẹ, chỉ cần điều trị tại nhà trong vòng một tuần là khỏi.
Theo tạp chí Y khoa uy tín The Lancet, trong một nghiên cứu ở bệnh nhân bị nhiễm adenovirus và nhập viện Caritas Baby Hospital, Mỹ, kết quả có 491 bệnh nhân bị nhiễm adenovirus từ ngày 1-1-2006 đến ngày 30-6-2016, trẻ em trai nhiều nhất (tỷ lệ nam/nữ là 2:1), trong đó 67% bệnh nhân có các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên, 34% có các triệu chứng đường tiêu hóa, 12% khó thở và 9% bị viêm kết mạc, có một số rất ít liên quan đến bệnh viêm bàng quang và viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Thời gian nằm viện từ 1 đến 10 ngày và hầu hết bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 3.
Như vậy, đa số các bé nhiễm adenovirus đều là bệnh nhẹ, chủ yếu là viêm mũi họng và rối loạn tiêu hóa, nên có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Chỉ có 12% là biến chứng viêm phổi cần nhập viện. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 7 trường hợp tử vong do nhiễm adenovirus, đó là các bé có bệnh nền như tim bẩm sinh, suyễn, sinh non, hội chứng thận hư, suy giảm miễn dịch. Tỷ lệ tử vong này không bất thường, cũng giống như những năm trước, từ 8% - 10% trẻ tử vong do bội nhiễm thêm vi khuẩn ở bệnh nhân nhiễm adenovirus nằm viện.
Khi được bác sĩ cho điều trị tại nhà, người dân cần lưu ý chăm sóc bé thật tốt như cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều chất dinh dưỡng, hạ sốt khi bé bị sốt cao. Có ba dấu hiệu cần nhập viện ngay là:
1. Bé sốt cao liên tục, uống thuốc không hạ. Li bì khó đánh thức.
2. Bé thở nhanh trên 40 lần một phút ở bé dưới năm tuổi hoặc thở rút lõm lồng ngực.
3. Bé nôn ói mọi thứ hoặc tiêu chảy nhiều lần.
Phòng bệnh bằng cách khuyến khích bé và người chăm sóc rửa tay bằng nước sạch, đeo khẩu trang khi đi học hoặc đến chỗ đông người, tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của ngành Y tế.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC