Thứ Sáu, 23/09/2022, 10:39 (GMT+7)
.

Người dân không nên chủ quan với sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh SXH dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến SXH dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

LƯU Ý THỜI ĐIỂM NGUY HIỂM CỦA SXH 

Thời gian qua, tại nhiều cơ sở y tế trong tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH tự ý điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào Bệnh viện thì đã rơi vào tình trạng sốc SXH, tổn thương đa cơ quan, tràn dịch màng phổi, ngưng thở... các bác sĩ phải điều trị tích cực mới qua nguy kịch.

Bệnh SXH trải qua 3 giai đoạn: Sốt, nguy hiểm và hồi phục. Trong giai đoạn nguy hiểm, thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, bệnh nhân có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường có các biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ); tràn dịch màng phổi với biểu hiện đau ngực, tức nặng ngực; tràn dịch màng bụng với biểu hiện bụng to nhanh, chướng bụng, khó thở; gan to khiến đau tức vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc do giảm khối lượng tuần hoàn với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu, chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít…

Bệnh nhân SXH đang được theo dõi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cái Bè.
Bệnh nhân SXH đang được theo dõi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Xuất huyết dưới da tạo ra nốt xuất huyết hoặc mảng xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn. Xuất huyết ở niêm mạc gây chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não với biểu hiện nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh... Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch đường uống hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì người bệnh nên vào cơ sở y tế, vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu. Người dân tuyệt đối không được tự dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu người bệnh đã uống những thuốc này thì hãy tới gặp bác sĩ. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh, đặc biệt không truyền dịch khi không có chỉ định. Một số trường hợp bệnh nhân vào cơ sở y tế tư nhân đã truyền dịch vượt quá quy định nên dễ diễn biến nặng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, chính sự chủ quan của bệnh nhân và thân nhân người bệnh khiến người bệnh chậm được phát hiện mắc SXH và cứu chữa kịp thời nên dẫn đến những điều đáng tiếc xảy ra. Bác sĩ Linh khuyến cáo người dân cần nghi ngờ mắc SXH khi có dấu hiệu sốt để đến cơ sở y tế tầm soát bệnh và theo dõi điều trị. Hiện nay, tất cả các cơ sở y tế đều có thể thực hiện xét nghiệm máu để phát hiện bệnh nhân mắc SXH.

DỊCH SXH CHƯA HẠ NHIỆT

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, trong tuần 38, toàn tỉnh ghi nhận 288 ca mắc SXH. Nâng tổng số ca mắc SXH toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 6.402 ca, tăng 218% so với tuần cùng kỳ và tăng hơn 318% so với cộng dồn cùng kỳ năm 2021. Điều đáng ngại là đến nay tỉnh đã có 4 ca tử vong do SXH, tăng 3 ca so với năm 2021. 

Ở Tiền Giang, cho đến thời điểm này, Cái Bè vẫn là huyện có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh, với 1.665 ca; kế đến là huyện Châu Thành 988 ca, huyện Cai Lậy 938 ca, huyện Chợ Gạo 659 ca. Với 19 ca mắc SXH được ghi nhận từ đầu năm đến nay, huyện Tân Phú Đông là địa phương có số ca mắc SXH thấp nhất tỉnh. Trong tuần 38, tỉnh có 84 ổ dịch SXH được ghi nhận tại 10/11 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Tân Phú Đông). Nâng tổng số ổ dịch ghi nhận trong toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 1.468 ổ dịch SXH ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố và đã được các địa phương xử lý.

Với số ca mắc SXH liên tục tăng nhanh như hiện nay, để chủ động phòng, chống dịch SXH, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc CDC Tiền Giang đề nghị: Ngành Y tế các huyện, thị, thành tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh SXH, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát trên địa bàn.

Các trạm y tế xã phải có kế hoạch phòng, chống SXH cụ thể, để tham mưu cho UBND cùng cấp huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng. Phải đảm bảo tất cả các khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các dụng cụ chứa nước, đồ vật phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Hiện nay đang là giai đoạn dịch SXH bùng phát mạnh trong năm. Tình hình dịch SXH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Tỉnh đã có 4 trường hợp tử vong, số ca mắc chưa có dấu hiệu dừng lại và trong điều kiện khan hiếm dịch cao phân tử phục vụ điều trị bệnh nhân SXH nặng như hiện nay là điều đáng lo ngại. Trước thực trạng này, điều quan trọng nhất chính là ý thức và quyết tâm đẩy lùi dịch SXH của từng cá nhân trong cộng đồng.

MAI HÀ

.
.
.