Đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa Covid-19, không được để thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
Phải đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, nhất là tiêm vaccine cho đối tượng trẻ em; rà soát, tháo gỡ mọi vướng mắc, không được để thiếu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế. Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại phiên họp lần thứ 18 của Ban Chỉ đạo, sáng 6-11, tại Trụ sở Chính phủ.
Phiên họp truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong Kết luận 42, Trung ương, vẫn xác định phòng, chống dịch Covid-19 tốt hơn nữa để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023; trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt, cùng với đó, trên đất nước ta xuất hiện một số dịch như sốt xuất huyết, theo tính toán chu kỳ 5 năm 1 lần. Do đó, phiên họp này tập trung đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 và dịch bệnh khác. Chúng ta phải thực hiện nghiêm đúng quy chế làm việc, phải đánh giá thêm công tác phòng, chống dịch thời gian qua.
Theo Thủ tướng, phải thảo luận vấn đề tiêm vaccine như thế nào bởi có tuần hầu như không tiêm được mũi nào, phải xác định trách nhiệm thuộc về ai. Chúng ta phải chuẩn bị tổng kết công tác phòng, chống dịch nhưng phải nhấn mạnh công thức phòng, chống dịch, trong đó có 2 yếu tố hết sức quan trọng là vaccine, thuốc và ý thức của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo liên tục về tiêm vaccine, nhất là chỉ đạo Bộ Y tế cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp chặt chẽ, quyết liệt thực hiện vấn đề này. Nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại bởi các biến chủng mới thì rất phức tạp. Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cũng cần được làm rõ. Nguyên nhân do đâu, cần phải làm rõ vì tiền thì có mà thuốc, trang thiết bị y tế thì thiếu; cần tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra. Đây là vấn đề nhức nhối cũng như vấn đề xăng dầu, phải bàn thêm để tìm giải pháp. Chúng ta phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, vướng ở đâu thì sửa ở đó. Nếu vướng ở Thông tư thì các bộ, nhất là Bộ Y tế phải chỉ rõ; nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo Quốc hội; bảo đảm đúng thủ tục, trình tự. Các địa phương cũng phải xem xét vướng mắc ở đâu? trách nhiệm thuộc về ai? Không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế. Nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên.
Vừa qua, số cán bộ công chức xin nghỉ chủ yếu thuộc ngành y tế và giáo dục. Khi xem xét vấn đề này cũng cần phải khách quan, nói rõ cả số tuyển mới chứ không chỉ số người xin nghỉ.
Về vấn đề tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Thủ tướng nêu rõ, muốn các cháu an toàn đến trường thì phải ưu tiên, thúc đẩy tiêm vaccine. Chúng ta cần rút kinh nghiệm, không được “chập chờn” vì một số nước tuyên bố hết dịch, nay lại tuyên bố có dịch; phải không được để dịch chồng dịch; vấn đề mua sắm thuốc men; vấn đề trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy các công tác này; tăng cường quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng; công tác thông tin tuyên truyền cũng cần phải được làm rõ.
* Theo Bộ Y tế, đến ngày 3-11, tổng số vaccine phòng Covid-19 đã tiếp nhận là 259.374.774 liều, trong đó: vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là 238.837.874 liều; vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 20.536.900 liều.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Từ ngày 22-10 đến nay, Bộ Y tế tiếp nhận 2.102.400 liều vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có 1.200.000 liều vaccine Pfizer do Chính phủ Australia viện trợ, 302.400 liều vaccine Pfizer và 600.000 liều vaccine Moderna do COVAX Facility hỗ trợ. Bộ Y tế đã phân bổ 177 đợt vaccine phòng Covid-19 với tổng số 256.782.474 liều, bao gồm 238.347.974 liều cho người từ 12 tuổi trở lên, 18.434.500 liều cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Số vaccine chưa phân bổ là 2.592.300 liều. Hầu hết số vaccine này mới tiếp nhận cuối tháng 10-2022, đang hoàn thiện các thủ tục và kiểm định chất lượng.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ Y tế kiến nghị: tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch.
Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai Chương trình tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, học sinh.
Tiếp tục theo dõi, cập nhật khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 để mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi; tổng hợp kết quả khảo sát, thăm dò ý kiến về việc tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) và Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuẩn bị tổ chức họp Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine để xem xét vấn đề này.
Bộ trưởng Y Tế trình bày báo cáo công tác về phòng chống dịch. |
Chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị.
Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới “Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh” với thông điệp “Thực hiện – 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.
Phối hợp các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế theo dõi, cập nhật tình hình dịch, nhất là với các biến thể mới; kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp và huy động hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức quốc tế.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội, an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tiếp tục tập trung tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adenovirus, cúm mùa, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ...; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, chúng ta đã xác định nhiệm vụ đầu tiên cho năm 2022 là phải kiểm soát được dịch bệnh. Đến nay, thực tiễn khẳng định việc xác định mục tiêu này là đúng, trúng. Chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh dù vẫn còn những diễn biến phức tạp, trên thế giới xuất hiện nhiều biến chủng mới, một số nước vẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch rất quyết liệt. Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả rất tích cực, đất nước đạt nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Thế giới đánh giá cao các thành tựu, kết quả của Việt Nam.
Bên cạnh khẳng định kết quả phòng, chống dịch thời gian qua, Thủ tướng nhận định, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Ủy ban Khẩn cấp (EC) về Quy định Y tế quốc tế (IHR) liên quan Covid-19 đánh giá, thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch Covid-19; vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, tiêm vaccine vẫn là giải pháp có tính chiến lược, đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó ở tầm quốc gia.
Mặt khác, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, đồng thời một số dịch bệnh vẫn đang lưu hành, xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để dịch chồng dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng, chống dịch, nhất là thúc đẩy việc tiêm vaccine.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vaccine theo các mục tiêu đã đề ra, có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vaccine đáp ứng yêu cầu của các địa phương; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể, thực hiện nghiêm túc kết luận của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ về mua vaccine; không để thiếu vaccine, nếu để thiếu vaccine, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Phải khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và quyết tâm làm bằng được. |
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Phải khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và quyết tâm làm bằng được. Các quy định không thể bao phủ hết góc cạnh cuộc sống, trong khi thực tế có những diễn biến nhanh, khó lường, chưa có tiền lệ nên các bộ, ngành, địa phương phải bám sát thực tiễn, cập nhật tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, tránh tình trạng phản ứng không kịp làm ảnh hưởng sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế-xã hội.
"Phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần chủ động, sáng tạo, sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập, khó khăn, thử thách có thể gặp phải trong tình hình hiện nay. Việc thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời đề xuất điều chỉnh và có cơ chế chính sách mới phù hợp tình hình, bối cảnh mới.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông và các bộ, ngành, địa phương đều phải coi trọng công tác này. Các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời, chính xác, khách quan tình hình dịch bệnh, kết quả phòng, chống dịch; tình hình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; khuyến cáo, hướng dẫn người dân tin tưởng, ủng hộ, chủ động tham gia các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong đó, chú trọng tiếp tục thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong. "Không có vaccine thì dễ nhiễm Covid-19, dễ chuyển nặng và nguy cơ tử vong rất cao. Vaccine vẫn là vũ khí chiến lược trong phòng, chống dịch", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm công tác tiêm chủng vaccine mở rộng; tăng cường phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ...; thúc đẩy sản xuất vaccine, phát triển ngành công nghiệp dược trong nước; chú ý việc kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, sửa đổi, đề xuất hoàn thiện các quy định về đấu thầu, đấu giá. Bộ Ngoại giao tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine và chuẩn bị tổ chức hội nghị tổng kết công tác này…
(Theo nhandan.vn)