.

Một số nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở trường học và cách phòng ngừa

Cập nhật: 18:05, 22/11/2022 (GMT+7)

(ABO) Từ vụ học sinh Trường Ischool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn trưa ngày 17-11 làm một học sinh 6 tuổi tử vong, nhiều học sinh phải nhập viện, chúng tôi xin nêu vài nguyên ngân và cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Về chuyên môn, ngộ độc thực phẩm còn được gọi là bệnh do thực phẩm, là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Các sinh vật truyền nhiễm bao gồm vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng, hoặc độc tố của chúng là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm.

Phần ăn trưa ngày 17-11 của học sinh trường Ischool Nha Trang.
Phần ăn trưa ngày 17-11 của học sinh Trường Ischool Nha Trang.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, thường bao gồm buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Căn cứ vào thời gian khởi phát triệu chứng, các nhà chuyên môn có thể dự đoán ban đầu một số nguyên nhân sau đây:

Vi khuẩn Staphylococcus aureus, khởi phát từ 1 đến 6 giờ sau khi ăn các loại thịt và rau đã chế biến sẵn, nước chấm, nước sốt. Vi khuẩn có thể lây lan khi tiếp xúc với bàn tay, ho và hắt hơi.

Clostridium perfringens, khởi phát từ 8 đến 16 giờ sau khi ăn các loại thịt, món hầm và nước thịt, các món ăn không giữ đủ nóng hoặc thức ăn được làm lạnh quá lâu.

Escherichia coli (E. coli) sinh độc tố ruột, khởi phát từ 10 giờ đến 24 giờ sau khi ăn các loại thực phẩm thịt, rau, canh, uống nước bị nhiễm khuẩn.

Clostridium botulinum, còn gọi vi khuẩn lạp xưởng độc, khởi phát từ 12 đến 72 giờ sau khi ăn thực phẩm đóng hộp, cá hun khói, khoai tây nướng trong giấy nhôm và các thực phẩm khác được giữ ở nhiệt độ ấm quá lâu.

Shigella, còn gọi vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy do lỵ trực trùng, khởi phát từ 24 đến 48 giờ sau khi ăn các loại hải sản và sản phẩm sống, ăn liền. Vi khuẩn có thể lây lan bởi một người xử lý thực phẩm bị nhiễm bệnh.

Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, người làm cần chú ý rửa tay kỹ bằng nước xà phòng ấm trước và sau khi xử lý hoặc chuẩn bị thức ăn; sử dụng nước xà phòng nóng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt khác mà bạn sử dụng.

Giữ thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền. Khi đi mua sắm, chuẩn bị thực phẩm hoặc bảo quản thực phẩm, hãy để thịt sống, thịt gia cầm, cá và động vật có vỏ cách xa các thực phẩm khác. Điều này ngăn ngừa lây nhiễm chéo. Chúng ta có thể tiêu diệt các sinh vật gây hại trong hầu hết các loại thực phẩm bằng cách nấu chín chúng ở nhiệt độ thích hợp.

Kiên quyết loại bỏ thực phẩm khi nghi ngờ đã bị hư hỏng. Nếu không chắc thực phẩm đã được bảo quản an toàn hay chưa, thì nên loại bỏ thực phẩm đó. Thực phẩm để ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể chứa vi khuẩn hoặc chất độc không thể bị tiêu diệt bằng cách nấu chín, ngay cả khi nó trông thấy tươi ngon và có mùi thơm.

Thông thường, ngộ độc thực phẩm nhẹ và tự khỏi mà không cần điều trị. Nhưng một số người cần phải đến bệnh viện khi nạn nhân bị mất nước, nôn tất cả mọi thứ hay sốt cao.

 BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.