Thứ Năm, 24/11/2022, 20:19 (GMT+7)
.

Ngành huyết học làm chủ các kỹ thuật cao ngang tầm khu vực và thế giới

PGS, TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, đến nay, ngành huyết học đa phần làm được các kỹ thuật cao ngang tầm khu vực và thế giới như điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu...

PGS, TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phát biểu khai mạc hội nghị.
PGS, TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phát biểu khai mạc hội nghị.

Sáng 24-11, Hội nghị Huyết học-Truyền máu toàn quốc năm 2022 diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của gần 1.500 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Bỉ, Singapore và các nhà khoa học trong nước là chuyên gia đầu ngành về huyết học-truyền máu Việt Nam, bác sĩ, dược sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng đến từ các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn quốc.

Đây là Hội nghị khoa học lớn nhất của ngành huyết học-truyền máu được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, là dịp để các nhà khoa học, cán bộ trong toàn ngành được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật thêm những kỹ thuật mới, tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh máu và bảo đảm nguồn máu an toàn, kịp thời trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Hà Thanh cho biết thêm, trên thực tế, trong 20 năm ngành huyết học có những bước tiến nhanh, chúng ta đa phần làm được các kỹ thuật cao mà các nước trong khu vực cũng như thế giới đang thực hiện, thí dụ như: điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân…

Ngoài ra, với các bệnh tương đối phổ thông nhưng khó chữa và lan rộng trong cộng đồng như tan máu bẩm sinh, ngành huyết học cũng đã có chương trình để phòng ngừa sự lan rộng của gene bệnh trong cộng đồng và đặc biệt điều trị tốt hơn rất nhiều để mang lại chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Đánh giá cao hoạt động của ngành huyết học, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Chuyên khoa Huyết học-Truyền máu của Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vị thế trong nền y học nước nhà và tiếp tục lớn mạnh hơn nữa cả về lượng và chất.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê; Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia; Cục trưởng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế phát biểu.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê; Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia; Cục trưởng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế phát biểu.

Trong đó, ngành huyết học đã thành công phương pháp ghép tế bào gốc, áp dụng điều trị nhắm đích, thực hiện khảo sát dịch tễ về bệnh tan máu bẩm sinh trên toàn quốc, thực hiện tầm soát gene bệnh tiến tới giảm dần số lượng trẻ em sinh ra bị bệnh tại một số địa phương.

Về lĩnh vực truyền máu, bảo đảm được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị người bệnh, đứng đầu là Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Với vai trò là đơn vị đầu ngành của cả nước, viện đã rất chủ động, tích cực và sáng tạo trong xây dựng nguồn người hiến máu, điều tiết máu và sử dụng máu an toàn trên phạm vi toàn quốc.

Riêng với tế bào gốc, theo ông Hà Thanh, phương pháp này được ứng dụng thành công trong chuyên ngành huyết học. Ghép tế bào gốc tạo máu giúp chữa khỏi hoặc chữa ổn định lâu dài nhiều bệnh lý lành tính và ác tính huyết học.

Bên cạnh đó, tế bào gốc cũng được ứng dụng trong một số lĩnh vực khác như y học tái tạo, giúp bệnh nhân phục hồi sau tổn thương ở các cơ quan, và các mục đích khác để điều trị.

Chia sẻ về những định hướng tới đây, Giám đốc viện cho hay, ngành huyết học sẽ tập trung vào các kỹ thuật mới nhất mà khu vực cũng như thế giới đang phát triển như ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô và các lĩnh vực liên quan đến điều trị tế bào như biện pháp CAR-T cell hay điều trị nhắm đích…

"Các phương pháp này sẽ giúp điều trị bệnh nhân một cách chính xác hơn nhiều so với trước kia và giúp bệnh nhân cải thiện triệt để chất lượng cuộc sống và tiên lượng bệnh hoặc có thể khỏi bệnh cho một số trường hợp”, ông Hà Thanh cho biết.

1.500 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Bỉ, Singapore và các nhà khoa học trong nước tham dự hội nghị.
1.500 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Bỉ, Singapore và các nhà khoa học trong nước tham dự hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần này cũng diễn ra Đại hội đại biểu Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam nhiệm kỳ VII (2022-2027), Đại hội đại biểu Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam và các sự kiện bên lề như hội thảo vệ tinh về hoạt động ngành huyết học; triển lãm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm...

(Theo nhandan.vn)

.
.
.