.

Từ vụ ngộ độc nghi ngờ do sữa, làm sao biết sữa bị hư?

Cập nhật: 09:57, 28/11/2022 (GMT+7)

(ABO) Sau vụ việc 14 học sinh khối lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang để các bác sĩ khám, truyền dịch khi có triệu chứng đau bụng, ói, nghi ngờ do uống một loại sữa bị chua khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Vậy làm sao để biết sữa bị hư?

Theo diễn biến vụ việc trên, lúc 13 giờ ăn trưa, đến 15 giờ, các học sinh có biểu hiện ngộ độc, thời gian xuất hiện triệu chứng trung bình khoảng 2 giờ sau ăn, thì khả năng có một loại vi khuẩn tương đối phù hợp là vi khuẩn Staphylococcus aureus, khởi phát từ 1 đến 6 giờ sau khi ăn thực phẩm ô nhiễm. Nguyên nhân thứ hai, có thể là Escherichia coli (E.coli) sinh độc tố ruột, khởi phát từ 10 đến 24 giờ sau khi ăn các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Về chuyên môn, trong sữa tươi hoặc sữa chua thường nhiễm một số loại vi khuẩn như tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, Campylobacter, Cryptosporidium, E.coli, Listeria, Brucella và Salmonella. Những vi trùng này có thể gây ra những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng cho người dùng nếu chúng hiện diện trong sữa, nhất là ở các đối tượng suy giảm miễn dịch như trẻ em và người già.

Thông thường sữa chua sẽ không chứa vi trùng, nhưng trong quá trình xử lý, chế biến, đóng chai, vận chuyển, bảo quản có thể sẽ xảy ra sơ suất khiến cho sữa bị nhiễm vi trùng, mặc dù còn hạn dùng.

Có một số cách để nhận biết sữa đã bị hư hay không? Trước tiên là mùi của sữa. Sữa chua không hư, nó thơm mùi men dễ chịu, nếu có trộn với trái cây như dâu tây, chanh dây… thì sữa có mùi trái cây đặc trưng. Nếu có bất kỳ mùi khó chịu nào khi mở hộp sữa ra, thì coi như sữa đã bị hư; khi nếm thử sữa chua như giấm thì sữa đã bị hư, nếu vị sữa chỉ chua chua, ngọt ngọt là bình thường.

Đặc biệt là màu sắc của sữa thay đổi từ trắng sang màu vàng vàng, nâu đen hoặc xanh xuất hiện bên trong sữa chua thì chắc chắn sữa bị nấm mốc gây ra. Sữa bị hư, khi trộn lên sẽ vón cục, đặc sệt không đồng nhất. Sữa bị hư nhất định không được ăn, phải loại bỏ ngay lập tức.

Sữa hư có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Đề phòng ngộ độc sữa cũng như thực phẩm nên ăn chín uống sôi, rửa tay thường xuyên, không dùng những thực phẩm bị hư hỏng.

       BS NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.