Bộ Y tế bãi bỏ quy định gây khó trong đấu thầu trang thiết bị y tế
Tại Thông tư số 14/2022/TT-BYT do Bộ Y tế vừa ban hành, quy định các đơn vị phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước và không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã được bãi bỏ.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, Liên tịch ban hành, trong đó bỏ quy định gây khó trong đấu thầu trang thiết bị y tế.
Tại Thông tư số 14/2022/TT-BYT do Bộ Y tế vừa ban hành, quy định các đơn vị phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước và không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó ở Thông tư 14/2020 đã được bãi bỏ. (ảnh: minh hoạ) |
Tại Khoản 2 Điều 2, Thông tư mới do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành đã bãi bỏ "khoản 3 điều 8 của Thông tư số 14/2020/TT-BYT, ban hành ngày 10/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế".
Khoản 3 điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định: "Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng và không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó. Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể"...
Quy định này khiến bệnh viện nếu muốn mua thiết bị y tế thì buộc phải mua với giá thấp hơn hoặc bằng giá trúng thầu trong 12 tháng qua tại các cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, trong điều kiện tỉ giá, giá điện nước, nhân công, lương... tăng, yêu cầu này trở nên khó thực hiện, nhiều cơ sở y tế khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế.
"Quy định phải dựa vào các báo giá gần đây nhất trong 12 tháng trúng thầu. Thực tế, 12 tháng qua, thậm chí hơn 2 năm qua, vật tư thiết bị y tế chủ yếu phục vụ chống dịch, hợp đồng trúng thầu trong 12 tháng qua là vô cùng khó khăn khiến các BV không thể tìm được hợp đồng trúng thầu"- PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã từng nói như vậy khi trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Tại diễn đàn Câu lạc bộ Giám đốc Bệnh viện các tỉnh phía Bắc diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng: Với Thông tư 14/2020, hiện nay có 2 xu hướng, một là rà soát để hủy bỏ tổng thể, hai là sửa đổi ngay điều có nội dung giá trúng thầu phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó, "vì điều này không phù hợp với quy luật kinh tế thị trường".
Kể từ ngày Khoản 2 Điều 2 của Thông tư 14/2022 có hiệu lực (ngày 6/12/2022), việc xác định giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thực hiện theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định số 63/2014/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có giá gói thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT trước ngày Khoản 2 Điều 2 Thông tư này có hiệu lực thì cơ sở y tế tiếp tục thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt hoặc thực hiện thủ tục để điều chỉnh giá gói thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống