Thứ Sáu, 02/12/2022, 13:41 (GMT+7)
.

Cần duy trì kiểm soát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng

(ABO) Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công và bền vững của việc kiểm soát véc tơ phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH). Khi các phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng có sự tham gia phù hợp, các cộng đồng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện kiểm soát véc tơ. Sự huy động và tham gia của cộng đồng ở từng địa phương giúp cải thiện việc kiểm soát véc tơ không để dịch bùng phát và ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch trong tương lai.

Bệnh SXH vẫn diễn biến phức tạp vào cuối năm

Mặc dù đã vào thời điểm cuối tháng 11 nhưng bệnh SXH vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do mưa nhiều vào những tháng cuối năm xen kẽ những đợt nắng gắt thuận lợi cho véc tơ lây truyền bệnh phát triển và tiếp tục lây truyền bệnh SXH. Tính đến tuần 47 (đến ngày 20-11-2022), toàn tỉnh có 8.386 trường hợp mắc SXH và có 6 trường hợp tử vong do SXH. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc SXH tăng 418,9% (1.616 trường hợp). Do đó, các hoạt động phòng, chống SXH cần phải duy trì thường xuyên và hiệu quả để kiểm soát dịch, trong đó cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công và bền vững của việc kiểm soát véc tơ.

Đẩy mạnh giám sát, kiểm soát véc tơ SXH

Dữ liệu giám sát dịch tễ và côn trùng được thu thập ở các điểm cố định, điểm nóng nhưng cần có sự tích hợp và sử dụng đầy đủ thông tin đó để kiểm soát ổ dịch và ngăn chặn sự lan rộng ở tất cả các địa phương. Các hoạt động giám sát bao gồm phát hiện nhanh ca nhiễm bởi chẩn đoán lâm sàng và xét nghiệm, giám sát véc tơ và giám sát các yếu tố rủi ro về môi trường và xã hội đối với dịch SXH để đảm bảo rằng sự lây truyền và gia tăng được phát hiện sớm và phản ứng nhanh chóng, phù hợp.

Các biện pháp kiểm soát véc tơ hiệu quả là rất quan trọng để đạt được và duy trì giảm tỷ lệ mắc bệnh SXH. Các biện pháp can thiệp phòng ngừa và kiểm soát véc tơ nhằm mục đích giảm lây truyền bệnh SXH, do đó làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và ngăn chặn sự bùng phát của bệnh. Bất kỳ nỗ lực kiểm soát thành công nào cũng phải tập trung vào khả năng duy trì sự can thiệp bằng việc giám sát và đánh giá hợp lý.

Việc kiểm soát véc tơ SXH chủ yếu được tiếp cận bằng cách giảm thiểu nguồn, loại bỏ môi trường sống của vật chứa là nơi đẻ trứng thuận lợi, đậy chặt nắp hoặc đậy các thùng chứa, giết giai đoạn ấu trùng và nhộng bằng cách sử dụng các biện pháp sinh học.

Chiến lược huy động cộng đồng kiểm soát véc tơ

Các chiến lược phòng ngừa và kiểm soát bệnh SXH đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng để thành công. Sự tham gia của cộng đồng có khả năng kiểm soát dịch bệnh và duy trì hiệu quả, nhưng điều này tùy thuộc vào cách cộng đồng tham gia vào các hoạt động cụ thể. Đặc biệt, sau đại dịch, việc lo toan về kinh tế và sự khác biệt về lợi ích ảnh hưởng đến khả năng tham gia của người dân. Các chương trình toàn diện, dựa trên các thể chế địa phương và sự hiểu biết về cộng đồng, đồng thời cho phép các thành viên cộng đồng tham gia vào việc lập kế hoạch và quản lý các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát, là rất cần thiết để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của chương trình.

Trong khi cần có sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan, việc kiểm soát véc tơ phụ thuộc rất nhiều vào việc khai thác kiến thức và kỹ năng từng địa phương trong cộng đồng. Sự tham gia và huy động của cộng đồng bao gồm làm việc với người dân địa phương để cải thiện việc kiểm soát véc tơ và xây dựng khả năng phục hồi chống lại các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Theo Tổ chức Y tế thế giới, khi có các phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng có sự tham gia phù hợp, các cộng đồng được hỗ trợ sẽ chịu trách nhiệm và thực hiện kiểm soát véc tơ một cách hiệu quả.

Hợp tác liên ngành trong kiểm soát véc tơ

Đã đến lúc các chương trình kiểm soát véc tơ làm việc cùng với các nhà quy hoạch thành phố, các nhà môi trường, kỹ sư và các ngành quản lý nước và vệ sinh. Một trong những điều quan trọng khi xây dựng, cần phải làm giảm môi trường sống của tất cả các loài muỗi; giảm nơi sinh sản của muỗi Aedes truyền các bệnh do véc tơ như SXH, sốt Chikungunya và Zika bằng cách tăng cường tiếp cận với nước máy, xây dựng nhà có màn tích hợp để ngăn chặn sự xâm nhập của muỗi, dọn rác thải, cải thiện hệ thống thoát nước và giữ gìn môi trường.

Các chính sách phù hợp

Các tiêu chí hoạt động phòng, chống SXH, trong đó việc kiểm soát véc tơ dựa vào cộng đồng trở thành một phần của cấu trúc xã hội và cộng đồng sẽ kiểm soát ở cả tất cả các cấp. Việc đầu tư nguồn lực là cần thiết kết hợp hoạt động truyền thông, kiểm tra, giám sát bảo đảm mọi người đều tự giác tham gia kiểm soát véc tơ không để dịch SXH bùng phát và ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch trong tương lai.

   BS LÊ ĐĂNG NGẠN

 

.
.
.