Hệ thống khám, chữa bệnh nỗ lực chuyển mình sau đại dịch COVID-19
Năm 2022, ngành Y tế không chỉ làm tốt công tác khám chữa bệnh, chống dịch COVID-19 mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc y tế nhân các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận kỹ thuật can thiệp thần kinh mạch máu não do bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh chuyển giao. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN) |
Năm 2022 đã khép lại và ghi nhận những nỗ lực của hệ thống khám chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe người dân, góp phần vào phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhìn lại những hoạt động đã diễn ra, hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh có những điều chỉnh phù hợp để đáp ứng nhu cầu về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Góp phần phục hồi kinh tế-xã hội
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ giữa năm 2022, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường mới bắt đầu phục hồi phục sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, vào thời điểm đầu năm, cả hệ thống khám chữa bệnh vẫn đang phải căng mình chống dịch COVID-19; đồng thời gửi nhân lực, vật lực hỗ trợ các tỉnh phía Nam. Do vậy, năm 2022, số lượt khám bệnh ngoại trú bảo hiểm y tế đạt trên 52 triệu (tương đương 66% so với cùng kỳ năm 2019); số lượt điều trị nội trú bảo hiểm y tế đạt trên 5,5 triệu (tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019); số ngày điều trị nội trú tương đương gần 70% so với cùng kỳ năm 2019.
“Đây thực sự là sự cố gắng của các cơ sở khám, chữa bệnh trong điều kiện thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, nhân lực biến động," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê đánh giá.
Trong điều kiện vừa chống dịch vừa thực hiện công tác khám chữa bệnh, các bệnh viện vẫn triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục khám chữa bệnh, đặc biệt là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cùng với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám bệnh, chữa bệnh; các bệnh viện chú trọng áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh. Đồng thời thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường...
Chăm sóc trẻ sinh non tại Bệnh viện A Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN) |
Bên cạnh đó, các bệnh viện tiếp tục mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh; liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, đổi mới căn bản phương thức đánh giá chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí phù hợp với xu hướng quốc tế và chỉ số hài lòng của người bệnh.
Triển khai tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa (teleheath), kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.500 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Hệ thống y tế tư nhân phát triển cả về số lượng và quy mô, nhiều cơ sở có hạ tầng khang trang cùng các trang thiết bị y tế hiện đại và chất lượng dịch vụ tương đối cao. Hiện, cả nước có 306 bệnh viện tư nhân và 37.350 phòng khám tư nhân trên toàn quốc.
Chăm sóc y tế các sự kiện chính trị quan trọng
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, không chỉ làm tốt công tác khám chữa bệnh, chống dịch COVID-19, ngành Y tế còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc y tế nhân các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
“Tháng 5/2022, SEA Games-31 là sự kiện thể thao quan trọng nhất sau 19 năm mới được tổ chức tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn là một vấn đề đáng lo ngại đối với các quốc gia, đặc biệt là sức khỏe của các vận động viên, quan chức, đại biểu, phóng viên trong nước và quốc tế. Gần 2.000 cán bộ y tế các lĩnh vực cấp cứu, khám chữa bệnh, phòng, chống dịch, an toàn thực phẩm, được huy động tại các bệnh viện và phục vụ tại các địa điểm thi đấu (40 môn thể thao) và 33 khách sạn có các đại biểu, vận động viên, trọng tài, huấn luyện viên ăn nghỉ tại 12 tỉnh, thành phố tổ chức SEA Games-31," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết.
Việc vừa phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho đại biểu, vận động viên, phóng viên trong nước và quốc tế cùng với 40.000 cổ động viên có mặt tại trận chung kết bóng đá SEA Games-31 là niềm tự hào của các cán bộ y tế đối với sự kiện lớn của đất nước và khu vực.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và các đại biểu kiểm tra xe chuyên dụng phục vụ SEA Games 31. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
“Các cán bộ y tế đều coi việc chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên, bạn bè quốc tế là vinh dự và trách nhiệm, mỗi cán bộ y tế cũng là một sứ giả văn hóa. Công tác y tế đã có sự chuẩn bị kỹ, nên khi có các tình huống cấp cứu, các cán bộ y tế đều xử lý tốt.
Trong thời gian diễn ra SEA Games, đã có một số ca cấp cứu được các cán bộ thực hiện như cấp cứu mổ ruột thừa cho vận động viên, cấp cứu cho vận động viên bị động kinh, cấp cứu thành công cho vận động viên Marathon bị ngất và hôn mê tại chỗ trên đường chạy…," Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, các cán bộ y tế còn phục vụ nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; các kỳ họp Quốc hội khóa XV, các đoàn đai biểu cao cấp thăm chính thức Việt Nam như Ấn Độ, Lào, Campuchia, Mozambic, Singapore, Thái Lan…
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình mới
Năm 2022, toàn ngành Y tế, trong đó có hệ thống khám chữa bệnh tập trung vào xây dựng, góp ý dự thảo sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
“Sau rất nhiều Hội thảo, nhiều lần chỉnh sửa, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 121 điều đã được Quốc hội thông qua vào ngày 9/1 vừa qua," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết.
So với Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, Luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới, như lần đầu luật hóa Hội đồng Y khoa Quốc gia. Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng, ban hành bộ công cụ và tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá.
Ngoài ra, nhiều văn bản quan trọng đã được xây dựng và hoàn thành trong năm 2022 như Thông tư 18/2022/TT-BYT của Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm xã hội khi bị ốm đau, mắc COVID-19, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp; Thông tư 04/2022/TT-BYT sửa đổi thông tư 27/2021/TT-BYT quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, trong đó có quy định lộ trình thực hiện kê đơn thuốc điện tử…
“Khép lại năm 2022 với nhiều khó khăn, hệ thống khám chữa bệnh cơ bản đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường xuyên của người dân và không ngừng nỗ lực chuyển mình sau đại dịch COVID-19. Những thách thức cũng mở ra những cơ hội mới cho các bệnh viện nhằm phát triển các dịch vụ y tế có chất lượng và đáp ứng sự hài lòng cho người bệnh," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh./.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/he-thong-kham-chua-benh-no-luc-chuyen-minh-sau-dai-dich-covid-19/842377.vnp)