Thứ Hai, 30/01/2023, 11:14 (GMT+7)
.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa lễ hội

Ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm là cần thiết.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 7 ngày Tết Quý Mão (từ 29 Tết đến chiều mồng 6 Tết), cả nước đã có 813 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu; 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử). Dịp Tết, lễ hội là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, đây cũng là thời điểm nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có rượu tăng cao.

Một bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê do uống rượu được điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Một bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê do uống rượu được điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Một món ăn đặc trưng trong ngày Tết đó là bánh chưng cũng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên ăn bánh nếu phát hiện bánh bị chua, mốc khi ăn vào dễ ngộ độc cấp tính, thậm chí gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), do độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng, bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Vì vậy, nếu để lâu trong thời gian dài, bánh chưng dễ bị mốc. Từ lớp lá ở ngoài, nấm mốc phát triển vào bên trong, lan rộng ra và làm hỏng bánh. “Với những chiếc bánh bị mốc nhiều, chua, vữa, đắng... phải kiên quyết bỏ. Những chiếc mới bị mốc chút ít bên ngoài, chúng ta cũng phải cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán cẩn thận trước khi ăn. Điều này để bảo đảm an toàn thực phẩm”, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến lưu ý.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo, một trong những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm là người tiêu dùng nên lưu ý khi mua, chế biến các loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc như các loại hải sản, rau và hoa quả tươi... Trong các loại hải sản, rau, thịt tươi sống đều có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Chẳng hạn như thịt heo, thịt bò sống cũng có thể nhiễm khuẩn salmonella, E.coli và nhiều loại vi khuẩn khác. Ngoài ra, người tiêu dùng thường có thói quen mua nhiều thực phẩm để dự trữ trong tủ lạnh. Tuy nhiên, thực tế, mỗi loại thực phẩm sẽ có một cách bảo quản khác nhau. Do đó, nếu bạn muốn phòng tránh ngộ độc thực phẩm thì bạn cần biết cách bảo quản thực phẩm đúng và an toàn. Khi chế biến thực phẩm, bạn cần đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn nguyên liệu. Nên chọn những loại thực phẩm tươi ngon, bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

Hiện cả nước bắt đầu vào mùa lễ hội, do đó, nếu đi du lịch, mỗi người cũng cần phải hết sức cẩn thận để tránh ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là khi du lịch ở những vùng xa xôi, hẻo lánh... Một số cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch là chuẩn bị các loại đồ khô, thực phẩm đóng gói và tiệt trùng, nên ưu tiên lựa chọn các loại thức ăn nóng và nấu chín. Nên tránh ăn các loại đồ tươi sống, hạn chế ăn thức ăn đường phố và các loại trái cây bóc vỏ được bày bán sẵn.

Ngoài ra, dịp lễ, Tết là thời điểm sử dụng bia, rượu tăng cao, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần hạn chế tối đa để bảo vệ sức khỏe bởi với rượu, bia, không có ngưỡng nào là an toàn. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian này, gần như ngày nào Trung tâm cũng phải tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc, cấp cứu do liên quan đến ngộ độc rượu. Không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong. Bởi, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm xử lý, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.