Có thể cứu sống trẻ bị dị vật đường thở chỉ với đôi bàn tay
(ABO) Mùng 5 Tết vừa qua, tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi đã có báo cáo về trường hợp bệnh nhi T.Đ.L. 3 tuổi tử vong do viêm thanh khí phế quản cấp, chẩn đoán phân biệt dị vật đường thở (DVĐT), sau khi hóc hạt bí.
Để giúp độc giả có thể cứu sống được nạn nhân bị DVĐT tương tự, chúng tôi xin được chia sẻ như sau:
Về chuyên môn, DVĐT xuất hiện trong ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là sự tác động của dị vật, dẫn đến ho cấp tính, nghẹt thở, thở khò khè, suy hô hấp, tím tái.
Sau đó, bệnh nhân thường tiến triển sang giai đoạn thứ hai không có triệu chứng, do dị vật khu trú một vị trí cố định trong cây khí phế quản và giảm phản xạ ho theo thời gian.
Giai đoạn thứ ba liên quan đến các biến chứng thứ phát. Nếu dị vật đột ngột rời nơi khu trú thì có thể tiếp tục gây tắc nghẽn đường thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Còn nếu nó nằm im một chỗ lâu ngày, nó sẽ gây nhiễm trùng như viêm phổi tái phát, ho dai dẳng, thở khò khè một bên hoặc các triệu chứng bắt chước bệnh hen suyễn. Sự chậm trễ hơn nữa trong chẩn đoán có thể dẫn đến giãn phế quản và tổn thương vĩnh viễn nhu mô phổi.
Theo các chuyên gia hồi sức cấp cứu, hiện nay chỉ có “Phương pháp vỗ lưng - ấn ngực” là phương pháp duy nhất, sớm nhất ở ngoài cộng đồng để cứu sống trẻ bị DVĐT ở trẻ nhỏ. Không cần bất cứ phương tiện hỗ trợ nào cả, chỉ cần dùng bàn tay của người sơ cứu là cứu sống được nạn nhân. Ở bệnh viện người ta dùng phương pháp nội soi phế quản để gắp dị vật ra ngoài.
Phương pháp vỗ lưng ấn ngực chỉ dành cho trẻ dưới 2 tuổi: Khi phát hiện trẻ nhỏ bị hóc dị vật, ho sặc sụa, người sơ cứu nhanh chóng sơ cứu ngay, nếu để trẻ ngừng thở quá 6 phút, não không được cung cấp đủ oxy thì não sẽ bị tổn thương vĩnh viễn: Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng gót bàn tay phải (cùi tay chứ không phải ngón tay) vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.
Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức, ngang núm vú, ấn 5 cái.
Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
Đối với người lớn và trẻ lớn: Dùng thủ thuật Heimlich. Có 2 trường hợp:
Nếu trẻ còn tỉnh: Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ẩn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc la được
Nếu trẻ hôn mê: Đặt trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi nạn nhân. Đặt gót lòng bàn tay lên vùng bụng, dưới mỏm xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất, rồi ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.
Nếu nạn nhân ngưng thở, phải thổi ngạt hai cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi bệnh nhân thở lại hoặc la khóc được.
Sau khi lấy được dị vật, hoặc nạn nhân la khóc được, vẫn phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.
Nếu nạn nhân vẫn còn có thể ho, thở được hay la, khóc được, thì không cần phải làm gì, chỉ cần đưa bé vào ngay bệnh viện. Đừng cố gắng móc vật lạ ra vì có nhiều khả năng dị vật rơi vào sâu hơn trong đường thở.
Phòng ngừa DVĐT, gia đình cần tránh cho trẻ chơi đồ chơi có kích thước nhỏ, nhất là những vật dụng tròn và trơn dễ rơi vào đường thở khi ngậm, nút. Không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng. Không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như các loại hạt, kẹo viên, rau củ cắt hạt lựu.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC