.
Cùng suy ngẫm

Bảo đảm an toàn với thức ăn từ thiện

Cập nhật: 13:48, 13/02/2023 (GMT+7)

Thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới là dịp nhiều người dân miền Tây Nam Bộ có điều kiện về kinh tế mở rộng tấm lòng, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là việc làm đáng quý của người miền Tây Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, việc 88 người ngộ độc sau khi ăn chè đậu trắng được phát miễn phí ở tỉnh An Giang đã đặt ra nhiều vấn đề về quản lý những hoạt động này.

Lãnh đạo ngành y tế An Giang thăm hỏi bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn chè đậu trắng từ thiện ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ngày 4/2/2023. (Ảnh: Thanh Dũng)
Lãnh đạo ngành y tế An Giang thăm hỏi bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn chè đậu trắng từ thiện ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ngày 4-2-2023. (Ảnh: Thanh Dũng)

Ngày 3-2, bà Nguyễn Ánh T, 44 tuổi, ngụ xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ra chợ mua các loại nguyên liệu về nấu chè đậu trắng để phát miễn phí cho người dân trong xóm và người đi đường nhân ngày Rằm tháng Giêng. Tối 3-2, nấu xong sáu mẻ chè, bà T cùng người nhà đã chia vào từng túi ni-lông rồi để qua đêm trong điều kiện nhiệt độ bình thường.

Từ khoảng 6 giờ ngày 4-2, bà T bắt đầu phát chè miễn phí cho người dân trong xóm và nhiều người đi đường với số lượng khá lớn. Mỗi túi chè khoảng bốn chén (bát) gồm chè và nước cốt dừa. Trưa cùng ngày, nhiều người đã ăn chè mà không hâm nóng lại và đến chiều tối, một số người có biểu hiện nôn ói, chóng mặt, tiêu chảy...

Tổng số có 88 trường hợp được ghi nhận có các biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn chè, trong đó, có 53 trường hợp nhẹ tự điều trị tại nhà, 35 trường hợp nặng phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới. Sau đó, bốn trường hợp nặng chuyển đến Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, tỉnh An Giang. Đến ngày 8-2, bà H, một trong những người nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn chè của bà T, đã tử vong.

Tại các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, từ nay đến giữa năm có nhiều lễ hội, người dân thường tổ chức nấu cơm, làm bánh... phát miễn phí cho người đi đường, người đến tham dự sự kiện.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp đang tổ chức các bếp ăn từ thiện, phát những suất ăn miễn phí cho người bệnh và người nhà tại các bệnh viện từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh, trung ương. Những bếp ăn này thời gian qua đã giúp đỡ cho rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn có bữa cơm ấm lòng, để có sức khỏe, động lực tiếp tục chống chọi với bệnh tật.

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm các tỉnh, các sở, ngành chức năng liên quan cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng, bảo đảm an toàn các loại thực phẩm được tặng, cấp miễn phí.

Các đơn vị y tế có bếp ăn từ thiện phục vụ thân nhân người bệnh, bệnh nhân cần rà soát, cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm cho những người thực hiện bếp ăn từ thiện; định kỳ giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm cho người dân và giám sát các bếp ăn tập thể trên địa bàn; tập huấn kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhóm chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phát thức ăn tại các nơi tâm linh, tín ngưỡng,...; chú trọng tuyên truyền cho người đứng đầu các chùa, đình, ban trị sự, bếp ăn từ thiện biết được những quy định về an toàn thực phẩm và trách nhiệm pháp lý để thực hiện đúng, không để xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.