Trẻ bị viêm da nặng do đắp lá cây trị lác sữa
(ABO) Bé Lê Ngọc T., 2 tháng tuổi, nhà ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang bị nổi mụn đỏ trên da hai bên gò má, ngứa ngủ không được.
Mẹ nghe hàng xóm bày lấy lá mướp đâm ra cho giập rồi đắp lên da mặt sẽ hết. Sau 3 ngày đắp lá mướp, da bé bị đỏ nhiều hơn, xuất hiện mụn mủ trắng đục và bé bị sốt cao nên mẹ đưa bé vào cơ sở y tế để khám bệnh.
Bác sĩ nói bé bị chàm thể tạng vùng da gò má, bội nhiễm vi trùng, theo dõi nhiễm trùng huyết và cho nhập viện điều trị.
Về chuyên môn, chàm thể tạng hay còn gọi là lác sữa, viêm da cơ địa, thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 2 tháng tuổi trở lên. Đây là tình trạng viêm da mãn tính, không lây, do trẻ có cơ địa dị ứng hoặc do di truyền.
Bệnh có thể kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi với những tổn thương điển hình xuất hiện ở hai bên gò má. Đây là một bệnh phổ biến, đặc biệt ở các nước phát triển, ảnh hưởng đến 20% trẻ em và 10% người lớn. Có bốn nguyên nhân gây chàm thể tạng, đó là: Yếu tố di truyền, rối loạn chức năng hàng rào thượng bì da, do miễn dịch, ô nhiễm môi trường.
Ở những bệnh nhân có tạng dị ứng, người bệnh thường mắc lần lượt là bệnh viêm da cơ địa lúc nhỏ, kế tiếp là viêm mũi dị ứng và cuối cùng là hen suyễn. Trình tự này được gọi là “chặng đường dị ứng”. Tuy nhiên, hầu hết bệnh viêm da cơ địa thường tự khỏi hoặc giảm đáng kể ở tuổi trưởng thành.
Do da dễ bị kích thích, nên gia đình chú ý không nên tắm rửa cho người bệnh quá nhiều, nước cũng là một tác nhân gây kích thích da. Mỗi ngày nên tắm một lần là đủ. Không thoa, đắp lá cây lên da, vì đắp lá cây sẽ làm da vừa bị kích thích bởi chất lạ, vừa dễ bị nhiễm trùng.
Hạn chế gãi khi ngứa, càng gãi da càng bị tổn thương và càng bị kích thích phản ứng viêm, tạo ra một vòng lẩn quẩn ngày càng khó thoát khỏi. Gia đình nên sử dụng thuốc uống và thuốc thoa do nhân viên y tế kê đơn.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC