Thứ Sáu, 17/02/2023, 15:18 (GMT+7)
.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang: Trên 2.800 người đến tiêm phòng dại

(ABO) Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, từ đầu năm đến ngày 14-2, có trên 2.800 người dân bị chó, mèo cắn đã đến CDC tiêm phòng dại; trong đó, trên 80 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, còn lại tiêm kháng nguyên dại.

Đối với các trường hợp vết thương lớn, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khâu phục hồi đa vết thương; đồng thời, tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm huyết thanh phòng dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng…

Cán bộ tiêm chủng xử lí vết thương lớn bị chó cắn vùng mắt, trên đầu, khâu vết thương và tiêm ngừa dại cho trẻ.
Cán bộ tiêm chủng xử lý vết thương lớn bị chó cắn vùng mắt, trên đầu, khâu vết thương và tiêm ngừa dại cho trẻ.

Làm gì khi bị động vật cắn (động vật dại, nghi dại, động vật không rõ tiền sử tiêm ngừa dại)?

Khi bị chó, mèo cắn, các bác sĩ CDC Tiền Giang khuyến cáo, cần thực hiện những biện pháp để phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh dại như: Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.

Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm giập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, rồi đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.

Trong tuần đầu tháng 02 có hàng trăm ngừa lớn và trẻ em đến tiêm ngừa dại bị chó, mèo và động vật cắn.
Trong tuần đầu tháng 2 có hàng trăm người lớn và trẻ em đến tiêm ngừa dại bị chó, mèo và động vật cắn.

Thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào. Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Triệu chứng bệnh dại

Bệnh dại tiến triển qua nhiều giai đoạn: Giai đoạn tiền triệu chứng thường 1 - 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập; giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: Sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ.

Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp. 

Bác sĩ CDC thăm khám, tư vấn và chỉ định tiêm ngừa phòng dại.
Bác sĩ CDC thăm khám, tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

THANH HOÀNG

 

.
.
.