.

Còn 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện

Cập nhật: 14:57, 26/03/2023 (GMT+7)

Mặc dù số phát hiện bệnh lao năm 2022 tăng ngoạn mục, trở về trước thời kỳ xảy ra dịch COVID-19, nhưng chỉ mới phát hiện được 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng, vẫn còn 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2022, số lượng tử vong do bệnh lao đã tăng lên trong hai năm liên tiếp và lần đầu tiên ước tính số lượng người mới mắc bệnh lao hàng năm cũng đã tăng lên sau hơn một thập kỷ.

Tử vong do lao tăng liên tiếp trong dịch COVID-19

Theo báo cáo của WHO (WHO Report 2022 – Global Tuberculosis Control), đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua.

TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia.
TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia.

TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ, hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới, số lượng tử vong do bệnh lao đã tăng lên trong 2 năm liên tiếp và lần đầu tiên ước tính số lượng người mới mắc bệnh lao hàng năm cũng đã tăng lên sau hơn một thập kỷ".

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới công tác phát hiện, điều trị nhiều bệnh, trong đó có bệnh lao. Có sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu. Nếu năm 2019, số người được phát hiện bệnh lao đạt mức cao nhất là phát hiện 7,1 triệu người bệnh, năm 2020 đã giảm xuống 5,8 triệu (giảm 18%), trở lại mức phát hiện của năm 2012.

3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất khi sụt giảm số phát hiện bệnh lao là Ấn Độ, Indonesia và Philippines (chiếm 67% tổng số sụt giảm toàn cầu). Tuy đã có sự phục hồi vào năm 2021, tỷ lệ sụt giảm tại các quốc gia này vẫn chiếm tới 60% mức độ sụt giảm toàn cầu so với năm 2019. Một số quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao khác có mức giảm trên 20% là Bangladesh (2020), Lesotho (2020 và 2021), Myanmar (2020 và 2021), Mongolia (2021) và Việt Nam (2021).

Ước tính trên toàn cầu vào năm 2021, số ca tử vong do lao là 1,4 triệu trường hợp trong nhóm người không có HIV và 187.000 trong nhóm người sống chung với HIV. Năm 2021, ước tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao trên toàn cầu, tăng 4,5% so với năm 2020 (10,1 triệu). Tỷ lệ mắc mới lao cũng tăng 3,6% trong năm 2021 so với năm 2020. Số trường hợp mắc lao kháng thuốc cũng tăng lên trong năm 2021, với 450.000 trường hợp mắc mới.

Tại Việt Nam, năm 2021 ghi nhận 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Các hoạt động phòng chống lao ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Cùng chung xu hướng của thế giới, chương trình chống lao của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Người dân không hoặc khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ chẩn đoán, điều trị lao. Nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trong hệ thống phòng chống lao trên toàn quốc được phân công điều trị bệnh nhân COVID-19.

Số phát hiện bệnh lao phục hồi mạnh so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Số phát hiện bệnh lao phục hồi mạnh so với thời điểm trước dịch COVID-19.

Nhiều tỉnh thành thiếu vật tư và trang thiết bị gây khó khăn cho các bệnh viện hoạt động khám chữa bệnh lao, bệnh phổi. Các hoạt động phát hiện bệnh nhân lao cũng bị ảnh hưởng, không triển khai được do thực hiện giãn cách xã hội.

Hậu quả là giảm số lượng bệnh nhân lao mới được phát hiện. Cụ thể, trong năm 2020 số lượng bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị trên toàn quốc chỉ giảm nhẹ 3,1% so với năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2021 với dịch COVID-19 diễn biến nặng nề, đặc biệt với các quy định giãn cách xã hội, số bệnh nhân lao phát hiện giảm đến 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019. Mức độ giảm này thậm chí còn cao hơn mức giảm trên toàn cầu năm 2020 (khoảng 18%).

Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia, TS Đinh Văn Lượng nói: "Năm 2021, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% so với năm 2020. Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng". Theo WHO, nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao sẽ rất cao, khoảng 50%.

Việt Nam phục hồi ngoạn mục trong phát hiện bệnh lao – căn bệnh có tỷ lệ tử vong tới 50%

Trong năm 2022, dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, công tác phòng chống lao tại các tuyến đã được tăng cường. Số liệu phát hiện của Chương trình chống lao Quốc gia năm 2022 đạt 103.120 người, đã có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 30,6%), thậm chí cao hơn cả cùng kỳ năm 2020 (tăng 1,8%). Việc phục hồi hoạt động phát hiện và công tác chống lao tại các địa phương ngang bằng với giai đoạn trước COVID-19 đã cho thấy những nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc. Đây quả là những "con số biết nói".

TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương nhận định: "Năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021 và tăng 1,8% so với năm 2020 là năm chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, mặc dù vậy, chúng ta cũng chỉ mới phát hiện được 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng".

Để có thể tiếp cận và ghi nhận được 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện, cũng như đảm bảo tất cả các nhóm dễ bị tổn thương, nguy cơ cao và cộng đồng nói chung đều có thể tiếp cận được các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao có chất lượng, Chương trình chống lao cần có sự đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp cải tiến, đưa đến chất lượng chẩn đoán và điều trị thân thiện, nhanh chóng, ưu tiên phát hiện bệnh lao bằng việc kết hợp nhiều biện pháp, bao gồm thụ động, chủ động, tích cực, phối hợp y tế công – tư, mở rộng tiếp cận chẩn đoán lao ở các cơ sở đa khoa và chuyên khoa ngoài hệ thống chương trình chống lao…, TS Đinh Văn Lượng cho biết.

(Theo suckhoedoisong.vn)

.
.
.