Giải pháp nào để quản lý giá thuốc trong năm 2023
Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý giá thuốc để khắc phục khó khăn, bất cập, phù hợp với tình hình thực tế.
(Ảnh minh họa) |
Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình thị trường trong nước và quốc tế có nhiều biến động, tuy nhiên, với việc triển khai đồng bộ các biện pháp về quản lý giá thuốc quy định tại Luật Dược năm 2016, Nghị định hướng dẫn Luật Dược, Luật Giá, Nghị định hướng dẫn Luật Giá và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã giúp thị trường dược phẩm vẫn được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị, công tác phòng chống dịch bệnh, giúp người dân tiếp cận được thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý.
Trong các năm gần đây, Chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước (CPI) nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng ở mức thấp và thấp hơn nhiều so với CPI chung.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thông qua đấu thầu, đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho quỹ bảo hiểm y tế. Theo báo cáo của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, thông qua đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2022, tổng giá trị thuốc trúng thầu giảm 17,98% (giảm 1.419 tỷ) so với giá kế hoạch, giúp cho giá thuốc tại các cơ sở y tế được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất tại từng địa phương. Một số mặt hàng giá thuốc được thống nhất trên toàn quốc.
Giá thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam thuộc vào hàng thấp nhất ASEAN ở hầu hết các nhóm thuốc điều trị chính. Nhóm thuốc Tim mạch, giá tại Việt Nam thấp hơn Malaysia 12%; thấp hơn Thái Lan 146%; thấp hơn Indonesia 90%, thấp hơn Philippines 52%. Nhóm thuốc điều trị Ung thư: bằng Malaysia; thấp hơn Thái Lan 76%; thấp hơn Indonesia 51%, thấp hơn Philippines 50%). Tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế tại Việt Nam là 11%, thấp hơn Malaysia (36%), Thái Lan (21%), Philippines (21%) (Nguồn dữ liệu IQVIA MIDAS data cập nhật Quý IV-2021). |
Mặt khác, thông qua việc triển khai các quy định ưu đãi trong mua thuốc tại Luật Đấu thầu, Thông tư số 03/2019/TT-BYT ngày 28/3/2019 giúp cho tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại các cơ sở y tế đã tăng lên hơn theo từng năm và tỷ lệ này cao hơn tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện. Theo đó, nếu như năm 2019 tỷ lệ này là 26,29% thì đến năm 2021 tăng lên 31,97%.
Bộ trưởng cho biết, qua hoạt động rà soát sơ bộ giá thuốc kê khai trước khi công bố, qua đó giá thuốc kê khai được kiểm soát, không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Giá thuốc kê khai, giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược giúp cho các đơn vị tham khảo trong quá trình xây dựng giá kế hoạch tại các kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
"Tổng số lượng mặt hàng thuốc có giá kê khai được công bố đến hết năm 2022 là 65.452 thuốc, tăng 1.446 thuốc so với năm 2021, tăng 3.359 thuốc so với năm 2020 và tăng 5.980 thuốc so với năm 2019", Bộ trưởng Y tế cho hay.
Bộ trưởng Y tế cho biết, trên cơ sở tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo cơ chế thị trường, theo quy định của pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, Bộ Y tế sẽ triển khai một số nội dung để quản lý giá thuốc.
Một là, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý giá thuốc để khắc phục khó khăn, bất cập và để phù hợp với tình hình thực tế. Đề xuất Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội sửa đổi quy định tại Luật Dược năm 2016 theo hướng tập trung quản lý giá thuốc (kê khai, kê khai lại giá) đối với các thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu, các nhóm thuốc, danh mục thuốc có ít cạnh tranh, có nguy cơ độc quyền hoặc có trị giá cao.
Hai là, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý giá thuốc quy định tại Luật Dược năm 2016 (Điều 107): kê khai giá thuốc; đấu thầu thuốc; niêm yết, công bố công khai thông tin giá thuốc.
(Theo nhandan.vn)