Chủ Nhật, 23/04/2023, 09:21 (GMT+7)
.

Lấp đầy khoảng trống tiêm chủng

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF), hiện có tới 67 triệu trẻ em trên toàn cầu, trong đó có gần 250.000 trẻ em Việt Nam, bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vaccine trong hơn ba năm dịch Covid-19 (từ năm 2019 - 2021); tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cũng sụt giảm tại 112 quốc gia trong 3 năm.
 

Do đại dịch bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn.
Do đại dịch bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn.

Cũng theo báo cáo này, 48 triệu trẻ em trên toàn cầu đã không được tiêm liều vaccine nào, hay còn gọi là “0 liều vaccine”. Nguyên nhân do khi đại dịch bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn, nguồn lực tiêm chủng thường xuyên được điều chuyển sang tiêm chủng chiến dịch vacine Covid-19, sự thiếu hụt nhân viên y tế và người dân, trẻ nhỏ phải thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà...

Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng nhiều loại vaccine ở mức thấp nhất trong 20 năm qua và là một trong những quốc gia có tình trạng tiêm chủng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Hơn 20 loại vaccine được báo cáo bị gián đoạn tiêm chủng thường xuyên như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, Rubella,... Đặc biệt, tỷ lệ uống vaccine bOPV và tiêm IPV phòng ngừa bại liệt của cả năm 2021 chỉ đạt lần lượt 67% và 80%; năm 2022 đạt 70% và 90%. Dẫn đến nhu cầu sử dụng các vaccine này giảm so với kế hoạch, tăng số lượng tồn dư và phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng. Điều này đang tạo ra các khoảng trống miễn dịch ở trẻ em, dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh sau đại dịch.

Bên cạnh đó, tình trạng “nợ miễn dịch” sau mắc Covid-19 cũng làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em nếu không được tiêm vaccine đầy đủ để chủng ngừa. Nợ miễn dịch là hiện tượng xảy ra do không tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên. Nợ miễn dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em trong thời kỳ hậu Covid-19. Chính vì vậy, các loại bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em như cúm A, B, Adenovirus, cúm mùa, viêm họng liên cầu... có thể bùng phát mạnh mẽ trở lại.

Cùng với đó, thực trạng “anti vaccine” đang nở rộ trên mạng xã hội. Trong khi đó, nhiều trẻ bị virus tàn phá cuộc đời chỉ vì không được tiêm ngừa. Một bác sĩ từng cho biết, hơn 20 năm làm trong ngành nhiễm, ông là người thấu hiểu rất nhiều về tầm quan trọng của vaccine. Nhìn thấy một đứa trẻ ho gà thở nặng nề, khó nhọc; nhìn một đứa trẻ bị viêm màng não đến yếu tay yếu chân hay thậm chí động kinh; nhìn một đứa trẻ mắc bạch hầu viêm cơ tim đến chết hoặc phải sống đời sống thực vật… mới có thể hiểu được nỗi đau của việc không tiêm vaccine nặng nề như thế nào.

Đã đến lúc cần khôi phục tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể các vaccine theo lứa tuổi đặc biệt là vaccine lao, bạch hầu ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản. Đồng thời triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng có nguy cơ cao thì mới có thể lấp đầy khoảng trống tiêm chủng để có đủ miễn dịch cho trẻ nhỏ sau đại dịch.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.