Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Tiền Giang: Gần nửa thế kỷ giữ gìn và phát huy nền y học dân tộc
Cách nay 45 năm, vào ngày 26-5-1978, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký quyết định thành lập Bệnh viện Y học dân tộc, nay là Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh tiền giang. Trải qua 45 năm, tập thể thầy thuốc bệnh viện đã nỗ lực dùng phương pháp Đông y và Đông y kết hợp với y học hiện đại để điều trị cho bệnh nhân; đồng thời, sưu tầm, thừa kế và phát huy, phát triển nền YHCT tỉnh nhà.
45 NĂM PHÁT HUY YHCT
Thời điểm hiện tại, Tiền Giang là 1 trong số ít tỉnh, thành phố duy trì hoạt động Bệnh viện YHCT. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị quý báu của nền y học dân tộc trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang. |
Ôn lại lịch sử 45 năm thành lập và hoạt động của Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang, Bác sĩ (BS) Phan Văn Hồng, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Ngay từ buổi đầu thành lập, bệnh viện đã gặp không ít khó khăn, vì do được thành lập trên cơ sở của Bệnh viện Ba dã chiến của chế độ cũ để lại đã xuống cấp rất nhiều và phải nhờ Bộ trưởng Y tế can thiệp với Bộ Quốc phòng mới có được cơ sở này, với diện tích tổng thể khoảng 7.000 m2, tọa lạc tại số 3, đường Thủ Khoa Huân, phường 1, TP. Mỹ Tho.
Về nhân lực lúc đầu chỉ có 6 cán bộ, viên chức, gồm 1 bác sĩ, 1 lương y, 1 dược trung và 3 nhân viên khác nên bệnh viện đã mời các vị lương y giỏi về tham gia hoạt động chuyên môn cho bệnh viện. Trong thời gian đầu, bệnh viện chỉ tiếp nhận khám, chữa bệnh ngoại chẩn bằng YHCT chủ yếu là thuốc Nam và châm cứu. Lúc bấy giờ, lãnh đạo Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang là BS Trần Minh Phụng, BS Trương Công Định dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ty Y tế là Lương y - BS Hoàng Vĩnh Bảo.
Từ cơ sở vật chất và nhân lực ban đầu như vậy, đến năm 1981, Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang hình thành được khá đầy đủ các khoa, phòng, ngoài điều trị ngoại chẩn, bệnh viện còn triển khai điều trị nội trú với quy mô 50 giường bệnh. Song song đó, bệnh viện đã mời được nhiều lương y giỏi về công tác tại bệnh viện và tiếp tục kế thừa gồm các lương y: Nguyễn Văn Phấn, Hồ Duy Thiệt, Võ Văn Hi, Hồ Đắc Hoằng, Huỳnh Văn Ngạn, Nguyễn Văn Kiêm và nhiều vị lương y tiền bối khác.
Lúc này, bệnh viện đã mở nhiều lớp đào tạo truyền nghề cho thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh về YHCT cùng với lực lượng y, bác sĩ được đào tạo chính quy mới ra trường về công tác. Phong trào học tập lúc bấy giờ thật sôi nổi và thiết thực với phương pháp “cầm tay chỉ việc” nên các thầy thuốc trẻ tiếp thu rất tốt và ứng dụng đạt hiệu quả cao trong khám, chữa bệnh cho nhân dân, số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang khám và chữa bệnh rất đông. Khoa Dược được phát triển bước đầu, ngoài phục vụ thuốc thang còn sản xuất được một số mặt hàng cao đơn, hoàn tán từ những bài thuốc hay do quý lương y kế thừa và nghiên cứu khoa học tại bệnh viện có hiệu quả để phục vụ cho người bệnh.
Từ năm 1991 đến nay, được sự đầu tư của ngành Y tế, UBND tỉnh, từ nguồn ngân sách địa phương, cơ sở vật chất Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang được nâng cấp, xây dựng mới, cùng với việc trang bị các trang thiết bị hiện đại đã tạo nên bộ mặt mới cho bệnh viện khá khang trang và đủ điều kiện thiết yếu phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân bằng YHCT và kết hợp YHCT với y học hiện đại như trang bị máy X-quang, siêu âm, xét nghiệm, thiết bị phục hồi chức năng không dùng thuốc, dây chuyền sản xuất thuốc thành phẩm một chiều... với nguồn kinh phí trên 50 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương.
Hiện tại, Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang có 120 giường nội trú, 20 giường ngoại trú, 81 cán bộ, viên chức, trong đó có 30 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học. Tất cả hoạt động đều tay, năng động, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kết quả khám, chữa bệnh tại bệnh viện thời gian qua thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch do ngành Y tế giao và được nhân dân tín nhiệm ngày càng nhiều hơn. Bệnh viện đã được Đảng, Nhà nước các cấp tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.
LẤY BỆNH NHÂN LÀM TRUNG TÂM
Theo BS Phan Văn Hồng, Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang, năm 2021 và 2022 do tình hình dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, bệnh viện tạm ngưng hoạt động khám, chữa bệnh từ ngày 26-7-2021 đến 30-11-2022, để chuyển một phần cơ sở vật chất của bệnh viện làm Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 có diễn biến nặng. Bệnh viện mới hoạt động trở lại từ ngày 1-12-2022 đến nay.
Nhiều phương pháp điều trị không dùng thuốc của Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang phát huy hiệu quả tích cực trong điều trị phục hồi cho bệnh nhân. |
Bệnh viện được nâng cấp, sửa chữa để tái hoạt động khám, chữa bệnh trở lại và được bổ sung thêm một số trang thiết bị cơ bản từ Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 để lại. Hiện tại, bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường với 100 bệnh nhân nội trú và hơn 150 bệnh nhân ngoại trú đến chữa bệnh hằng ngày.
Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang đã lấy bệnh nhân làm trung tâm, vì bệnh nhân phục vụ tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân, xem bệnh nhân như người thân của mình là phương châm hoạt động của bệnh viện, chính điều này đã đem đến sự hài lòng của bệnh nhân. Cụ Lê Thị Thu Nga, 80 tuổi, ngụ xã Thiện Trí, huyện Cái Bè là “khách hàng thân thiết” của bệnh viện, cho biết: “Tôi điều trị bệnh ở đây được mấy năm nay rồi.
Người cao tuổi, cứ hết bệnh này đến đau chỗ khác nên khi sức khỏe có chuyện là tôi bảo con cháu đưa tới Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang để điều trị. Với bệnh của người cao tuổi thì điều trị bệnh bằng YHCT tốt lắm. Mỗi đợt nằm viện từ 10 bữa tới ngoài 1 tháng, tôi được các bác sĩ và nhân viên bệnh viện chăm sóc, thuốc thang chu đáo như người thân trong gia đình”, cụ Nga chia sẻ.
45 năm qua là một quá trình phát triển tuy không dài nhưng đã thể hiện sự phấn đấu vươn lên mạnh mẽ của Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang. Đến nay, bệnh viện đã có lực lượng nhân lực khá mạnh, yêu nghề, có cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Tuy nhiên, nhu cầu chăm sóc của bệnh nhân ngày càng lớn, chất lượng khám, chữa bệnh đòi hỏi ngày càng cao và toàn diện hơn.
Việc ứng dụng các kỹ thuật cao ngày càng phát triển đòi hỏi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các bệnh viện nói chung và Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang nói riêng phải được đầu tư lớn hơn. Các nguồn nhân lực, vật lực ngày càng khó khăn, càng bị cạnh tranh, tinh thần phục vụ, chăm sóc bệnh nhân của cán bộ, viên chức bệnh viện phải tốt hơn nữa để theo kịp trong tình hình mới.
THỦY HÀ