.
HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 31-5:

"Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá"

Cập nhật: 15:22, 29/05/2023 (GMT+7)

(ABO) Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Hút thuốc lá là một thói quen của nhiều người, rất khó bỏ được mặc dù ai cũng biết rằng hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe của chính mình và của người khác. Theo nghiên cứu của ngành Y tế, hút thuốc lá sẽ gây ra nhiều bệnh và làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30% - 80%. Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới chọn thông điệp “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà có thể phòng tránh được. Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới; trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, đột quỵ, tiểu đường... Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, giám sát cơ sở y tế thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại TTYT huyện Tân Phước.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, giám sát cơ sở y tế thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại Trung tâm Y tế huyện Tân Phước.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây ra hàng trăm ngàn ca bệnh mãn tính và cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người. Con số tử vong do thuốc lá ước tính sẽ tăng lên thành 70.000 ca mỗi năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Tổn thất kinh tế do 5 nhóm bệnh chính liên quan tới thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) ước tính đã gây ra con số tổn thất lên tới 1% GDP của nước ta.

Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây gánh nặng tài chính cho các gia đình; chi tiêu cho thuốc lá làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình nghèo nhất. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực vì nguồn lực lẽ ra nên chi tiêu cho thực phẩm thì lại bị chuyển sang chi tiêu cho thuốc lá và chi trả việc khám, chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra.

Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hằng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Ngoài ra, mới đây, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an phát hiện một loại ma túy rất mới được tẩm vào thuốc lào, thuốc lá và dung dịch thuốc lá điện tử. Đây là một loại ma túy tổng hợp mới gây ảo giác cực mạnh nhưng lại không nằm trong danh mục các chất cấm ở Việt Nam, không thể phân biệt bằng mắt thường mà phải bằng giám định.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, con số tử vong do thuốc lá ước tính sẽ tăng lên thành 70.000 ca mỗi năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây gánh nặng tài chính, ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã rất tích cực trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tiền Giang cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước có Chỉ thị về phòng, chống tác hại của thuốc lá của UBND tỉnh vào năm 2007. Song song với tiếp nhận và triển khai Dự án Truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá, Dự án Xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc lá đạt được những kết quả tốt về nâng cao nhận thức, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để đạt một môi trường trong lành không có khói thuốc lá.

Với chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm 2023 “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng. Thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả như: Thực hiện môi trường không thuốc lá; thực thi cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá bao gồm quảng cáo trực tiếp và trên nền tảng kỹ thuật số, mạng Internet; tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe; lồng ghép và tăng cường các chương trình cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia và các chương trình khác.

Tăng thuế thuốc lá ở mức cao để khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và ngăn ngừa thanh niên bắt đầu hút thuốc. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 70% - 75% giá bán lẻ, giúp làm giảm đáng kể việc sử dụng thuốc lá, bảo vệ sức khỏe người dân. Kêu gọi những nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng cùng chung tay trong nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác...). Ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới…

THANH HOÀNG
    


 

.
.
.