Siết chặt quy trình tiêm chủng vaccine an toàn
Sau sự cố tiêm vaccine hết hạn tại Thanh Hóa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế yêu cầu địa phương rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng để chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng; tổ chức tập huấn lại cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng trên địa bàn trong trường hợp cần thiết để bảo đảm thực hành tiêm chủng an toàn theo quy định.
Ảnh minh họa. |
Bảo quản vaccine, thực hiện tiêm chủng an toàn
Vừa qua, Trạm Y tế xã Thăng Bình huyện Nông Cống, Thanh Hóa đã sử dụng vaccine Hexaxim (6 trong 1) hết hạn từ ngày 31/3/2023 để tiêm cho trẻ. Hai cán bộ y tế đã bị đình chỉ công tác vì để xảy ra sự cố 4 trẻ nhỏ nhập viện sau khi tiêm vaccine hết hạn sử dụng. Nguyên nhân được cho là công tác bảo quản vaccine đúng quy định, cán bộ tiêm không kiểm tra kỹ vaccine trước tiêm nên không phát hiện vaccine đã hết hạn.
Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu địa phương và ngành y tế rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng để chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng; tổ chức tập huấn lại cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng trên địa bàn trong trường hợp cần thiết để bảo đảm thực hành tiêm chủng an toàn theo quy định.
Vaccine là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên nhằm kích thích cơ thể sinh miễn dịch chủ động đặc hiệu để phòng, chống các tác nhân gây bệnh. Tiêm vaccine là đưa trực tiếp một sinh phẩm vào cơ thể, do đó cần bảo đảm tuyệt đối chất lượng của vaccine nhằm bảo bảo đảm hiệu quả phòng bệnh do vaccine mang lại.
Từ lâu, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quy trình Hướng dẫn an toàn tiêm chủng, trong đó có những yêu cầu cụ thể về việc bảo quản vaccine, sàng lọc sức khỏe khi tiêm chủng, theo dõi sau tiêm...
Trước tiên, vaccine phải được bảo quản đúng nhiệt độ quy định: Vaccine chỉ bảo đảm an toàn cho người sử dụng khi được bảo quản với các tiêu chuẩn theo quy định, đúng nhiệt độ. Ngày nay, hệ thống bảo quản lạnh theo tiêu chuẩn GSP cùng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh giúp vaccine được bảo đảm đồng nhất nhiệt độ ở tất cả vị trí, bảo đảm chất lượng vaccine.
Ngoài ra, với những vaccine đặc biệt yêu cầu bảo quản nhiệt độ âm sâu đến âm 86 độ C, đều phải có kho rã đông chuyên dụng riêng được kiểm soát nhiệt độ trong giới hạn tiêu chuẩn, bảo đảm vaccine được rã đông an toàn, đúng cách trước khi sử dụng.
Các cơ sở tiêm chủng cần bảo đảm nguồn điện cung cấp cho các kho lạnh (tốt nhất là luôn có tối thiểu từ 2 nguồn điện).
Quy trình bảo quản vaccine an toàn. |
Tủ bảo quản vaccine cũng cần phải là tủ chuyên dụng, với hệ thống bảo quản nhiệt độ đồng bộ nhiệt kế tự ghi và camera giám sát. Vaccine không sử dụng hết trong ngày cần được đưa về kho lạnh đạt chuẩn GSP nhằm giám sát ở mức độ an toàn cao hơn.
Phải giám sát hạn sử dụng của vaccine: Bà Ngô Thị Tuyết Sương, Phó Giám đốc Chất lượng, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, việc giám sát hạn sử dụng vaccine rất quan trọng ngay từ trong kho lưu trữ để bảo đảm tất cả các vaccine không đủ điều kiện sử dụng hoặc hết hạn sử dụng sẽ được chuyển đến khu biệt trữ trong kho lạnh và xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuyệt đối không bảo quản lẫn vaccine hết hạn sử dụng với vaccine còn hạn, nhằm bảo đảm không có sự nhầm lẫn.
Nhiều cơ sở tiêm chủng hiện áp dụng phần mềm quản lý hàng hóa hiện đại. Điều này cho phép theo dõi đến từng lọ vaccine với đầy đủ thông tin cần thiết, có thông báo cảnh báo hạn sử dụng vaccine, điều phối cung ứng phù hợp tồn kho và nhu cầu sử dụng. Quy trình chặt chẽ và hệ thống phần mềm công cụ hiện đại này không cho phép vaccine quá hạn sử dụng được đưa ra khỏi kho, mà phải chuyển vào khu vực biệt trữ để chờ thực hiện hoàn, hủy theo quy định.
Vaccine là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên nhằm kích thích cơ thể sinh miễn dịch chủ động đặc hiệu để phòng, chống các tác nhân gây bệnh. Tiêm vaccine là đưa trực tiếp một sinh phẩm vào cơ thể, do đó cần bảo đảm tuyệt đối chất lượng của vaccine nhằm bảo đảm hiệu quả phòng bệnh do vaccine mang lại. |
Thực hiện tiêm chủng an toàn: Theo bà Ngô Thị Tuyết Sương, hiện ở một số nơi vẫn còn tình trạng bảo quản vaccine trong tủ đông, tủ lạnh gia dụng. Nhiệt độ có thể hiển thị 2-8 độ C, nhưng thực tế rất khó bảo đảm vì nhiều yếu tố như thời gian đóng mở liên tục, nguồn điện, mật độ hàng hóa bên trong.
Để thực hành tiêm chủng an toàn cần thực hiện các bước quan trọng:
Đầu tiên là khám sàng lọc để phát hiện bất thường, bảo đảm người tiêm chủng đủ điều kiện sức khỏe để tiến hành tiêm, hạn chế tối đa những phản ứng sau tiêm. Bác sĩ khám sàng lọc đưa ra quyết định là khách hàng có đủ điều kiện để tiêm chủng hay không. Công tác này tiếp tục được các điều dưỡng thực hiện, kiểm tra và đối soát một lần nữa tại phòng tiêm.
Bước 2, phải kiểm tra vaccine trước tiêm. Để tránh nhầm lẫn, khi người vào tiêm cần phải được hỏi lại tên, ngày tháng năm sinh. Vaccine khi lấy ra phải kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu vaccine, kiểm tra tên vaccine, tác dụng phòng bệnh, nhà sản xuất, nước sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, tính toàn vẹn của vaccine… cũng như liều dùng, đường dùng… với người được tiêm (người giám hộ).
Đồng thời, nhân viên y tế hướng dẫn khách hàng kiểm tra, đối chiếu với chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp khách hàng được tiêm đúng loại vaccine, tiêm an toàn, an tâm về chất lượng vaccine và chất lượng tiêm chủng.
Nhân viên tiêm chủng rà soát lại thông tin người tiêm, loại vaccine, hạn sử dụng cho mẹ của trẻ. |
Bước 3, theo dõi sau tiêm chủng: Mỗi cá thể phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ trong vòng 30 phút sau tiêm. Vì thế, sau tiêm cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút để kịp thời phát hiện, xử trí phản ứng nếu có. Sau tiêm chủng, cần tiếp tục theo dõi phản ứng trong 72 giờ tại nhà.
Đưa vaccine phòng Covid-19 vào tiêm chủng thường xuyên
Về tiêm vaccine phòng Covid-19, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tổng số mũi tiêm đã thực hiện tại Việt Nam là hơn 266 triệu mũi tiêm. Việt Nam là quốc gia đạt độ bao phủ vaccine Covid-19 cao cho các lứa tuổi bao gồm các liều cơ bản và các liều tiêm nhắc lại.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có việc tiêm vaccine phòng Covid-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Căn cứ số đối tượng cần tiêm chủng và lịch tiêm tiêm nhắc, các địa phương sẽ tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo đợt hoặc định kỳ, tiến tới đưa vào tiêm chủng thường xuyên để bảo đảm tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng, đồng thời tiết kiệm nguồn lực mà vẫn đạt được độ bao phủ vaccine cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương |
Theo bà Hồng, Việt Nam sẽ thực hiện tiêm vaccine Covid-19 theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới. Theo đó, các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vaccine phòng Covid-19 gồm: Người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại, các mũi tiêm nhắc sau liều cuối cùng từ 6 đến 12 tháng.
Hiện nay trên thế giới đã có vaccine Covid-19 nhị giá cập nhật “update Covid-19 vaccine” phòng chủng virus gốc và chủng Omicron.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, tất cả các đối tượng từ 6 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản cần được tiêm bổ sung 1 liều vaccine cập nhật. Ngoài ra, người từ 65 tuổi trở lên cần được tiêm thêm 1 liều vaccine cập nhật thứ 2 sau 4 tháng trở ra, người suy giảm miễn dịch cũng cần tiêm thêm 1 liều vaccine cập nhật thứ 2 sau ít nhất là 2 tháng sau liều tiêm thứ nhất.
"Việt Nam sẽ cập nhật theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, và thông qua Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, Bộ Y tế sẽ đưa ra hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 phù hợp cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trong thời gian tới", bà Hồng nói.
Trong tình hình dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng số mắc những ngày gần đây, người dân hãy thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế: Người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản.
Đặc biệt những người nguy cơ cao mắc Covid-19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế.
(Theo nhandan.vn)