Thứ Hai, 29/05/2023, 20:34 (GMT+7)
.

Tránh lãng phí các nguồn lực quý giá đã huy động được trong phòng, chống Covid-19

Nêu rõ việc thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần thiết phải có những giải pháp để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc này, tránh lãng phí các nguồn lực quý giá đã huy động được.

Chiều 29/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Cuộc huy động tổng lực lớn và thành công

Bày tỏ tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nêu rõ, có thể nói về huy động nguồn lực chúng ta đã rất thành công.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, tại trang 3, khoản b, mục 1 về quản lý, sử dụng nguồn lực huy động được có nêu: "Việc thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm".

Theo đại biểu, như vậy nội dung chỉ có đánh giá về nguồn ngân sách nhà nước, chưa có đánh giá về việc thanh quyết toán kinh phí huy động từ nguồn lực ngoài ngân sách.

Trong khi đó, theo báo cáo giám sát thì nguồn huy động từ ngoài ngân sách là rất lớn, gồm 43,6 nghìn tỷ đồng/230 nghìn tỷ đồng phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch; 11,6 nghìn tỷ đồng được viện trợ, tài trợ vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19; 160 triệu liều vaccine, tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

a
Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đại biểu quan tâm liệu báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội có trả lời được câu hỏi: Việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn lực này thế nào, có vướng mắc gì không, còn thừa hay đã hết, nếu còn thì việc xác lập tài sản là sở hữu toàn dân có vướng mắc gì? Chính phủ sẽ giải quyết thế nào nếu không có đủ hồ sơ, thủ tục ghi nhận tài sản?

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nhấn mạnh cần tránh lãng phí các nguồn lực quý giá đã huy động được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Nguồn video: Truyền hình Quốc hội)

Do đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị báo cáo giám sát cần yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung, tổng hợp, nêu rõ kết quả quản lý, sử dụng và thanh quyết toán đối với nguồn lực huy động từ nguồn ngoài ngân sách.

“Nghị quyết của Quốc hội phải nêu rõ hơn nữa thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm hết sức cụ thể, đồng thời kiến nghị những giải pháp để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, đặc biệt là việc thanh quyết toán, xác lập giá trị tài sản, sở hữu toàn dân để nhanh chóng quản lý, tránh lãng phí các nguồn lực quý giá đã huy động được”, đại biểu tỉnh Hà Nam kiến nghị.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 vừa qua là phép thử cho thấy hiện trạng và thực lực của ngành y tế. Thực tế cho thấy trong huy động và quản lý nguồn lực cho phòng, chống dịch rất khó khăn.

Theo đại biểu, trong quản lý chưa phân biệt được giữa dịch bệnh chưa gặp lần nào với dịch bệnh thông thường. Với những quy định pháp luật vào thời điểm cao điểm dịch bệnh khó có thể thực hiện mua được vaccine.

s
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vướng mắc là ở quy chế đấu thầu. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu đang được thảo luận cũng chưa thấy cách nào để gỡ rối. Đến nay trong tình trạng bình thường mà các cơ sở điều trị còn thiếu thuốc, thiếu vaccine… thì không biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục được, đại biểu nêu băn khoăn.

Do đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng trong việc quản lý nguồn lực còn có nhiều điểm nghẽn trong sử dụng. Cùng với đó còn có những chính sách cần được nhìn nhận lại như trong lúc cần tiêm vaccine lại không cho phép tiêm dịch vụ, hay như lúc thiếu thuốc điều trị thì Bộ Y tế lại chậm trễ trong cấp đăng ký thuốc, dẫn đến tình trạng mua bán bên ngoài và đẩy giá…

Đại biểu cũng đề nghị trong báo cáo cần bổ sung đánh giá để cân bằng giữa xây và chống. Chống tiêu cực nhưng cũng cần quan tâm đúng mức việc xây dựng, “bồi bổ” để ngành y tế mạnh hơn để có thể chống dịch ngay lúc đó và về sau này.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh giám sát tới đây cần đi vào thực tế để trong tương lai, nếu như dịch bệnh quay trở lại sẽ đối phó tốt hơn và bảo vệ được người dân tốt hơn. Do đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm xây dựng nền y tế và phải có những cơ chế bảo vệ cho người làm.

Để căn bệnh “sợ trách nhiệm” không lây lan

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu thực tế, đại dịch Covid-19 đi qua, bên cạnh những thắng lợi còn để lại nhiều điều đáng để bàn, suy nghĩ và quan trọng hơn là để thay đổi.

a
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 29/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Băn khoăn về những việc không hợp lý, không hợp pháp đang được xử lý như thế nào, đại biểu Trần Văn Sáu cũng bày tỏ trăn trở khi sau chống dịch thành công, tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy có quá nhiều điều hợp lý trong thời điểm chống dịch nhưng không hợp lý, không hợp pháp trong thời điểm hiện nay, việc ứng xử vấn đề này như thế nào?

Ngoài ra, đại biểu cũng lo ngại căn bệnh “sợ trách nhiệm”, thu mình lại, thụ động, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải xem xét nhiều chiều.

Đại biểu cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc, Quốc hội cần có cơ chế để người có thẩm quyền đánh giá hành vi người khác cần áp dụng luật để phán xét, nhằm làm cho điều hợp pháp thực sự hợp tình và hợp lý.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá cao và đồng tình với báo cáo kết quả giám sát, nhấn mạnh đây không chỉ là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội mà có ý nghĩa như cuộc tổng kết mang tính chiến lược để rút ra những bài học kinh nghiệm, dự liệu cho những tình huống tương tự xảy ra trong tương lại.

a
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo đại biểu, trong giám sát, vấn đề trách nhiệm luôn được đề cao, do đó đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục xác định, cụ thể hóa các chủ trương đã được Quốc hội yêu cầu tại Nghị quyết 80 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.

Đại biểu nhấn mạnh cần có đánh giá một cách công tâm, thấu tình đạt lý đối với các sai phạm, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Bổ sung một số nội dung vào kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) nêu rõ, đây là tình huống chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải có quyết định nhanh chóng, kịp thời, nên không tránh khỏi có những vướng mắc, lúng túng.

Do đó, đại biểu cho rằng cần xem xét sự việc với phương châm kiên quyết xử lý những sai phạm, nhưng đối với những công việc hợp tình, hợp lý, không vụ lợi, vì nhiệm vụ chung thì cần được chia sẻ, cảm thông.

Đại biểu cho biết, báo cáo đã nhận diện được những bất cập, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu.

“Vì vậy, cần giải quyết những vướng mắc còn lại để đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là những người đã tham gia công tác phòng, chống dịch được thanh thản, xem như đã vượt qua được thử thách khó nhọc, bước vào thực hiện nhiệm vụ mới một cách cởi mở với năng lực tích cực”, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh kiến nghị.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.