Nâng cao năng lực sản xuất vaccine trong nước
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc các quốc gia chủ động nâng cao năng lực sản xuất vaccine trong nước. Phát triển và sản xuất vaccine giúp các quốc gia ứng phó với bệnh truyền nhiễm mới, bảo đảm nguồn cung cấp vaccine an toàn, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển, sản xuất vaccine.
Việt Nam có nhiều thế mạnh trong sản xuất vaccine
TS Ong Thế Duệ, Phó trưởng khoa Tài chính y tế và đánh giá công nghệ y tế, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết, chủ động phát triển, sản xuất vaccine trong nước sẽ giúp tránh rủi ro thiếu hụt vaccine cho nhu cầu trong nước khi phải phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ bên ngoài. Các quốc gia sản xuất được vaccine cũng sẽ chủ động hơn với các chiến lược phòng, chống dịch, bảo đảm tính kịp thời trong ứng phó với tình huống dịch, bệnh khẩn cấp, hoặc sự xuất hiện của biến thể virus mới trong tương lai, nâng cao sức khỏe cho người dân và sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, các quốc gia sản xuất được vaccine sẽ tăng cường khả năng hợp tác quốc tế và tham gia xuất khẩu vaccine, góp phần phòng, chống dịch bệnh trên phương diện toàn cầu, phát triển kinh tế đất nước.
Hoạt động nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tại Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH). Ảnh: QUÝ NGUYÊN |
Đánh giá về thế mạnh trong sản xuất vaccine của Việt Nam, TS Nguyễn Khánh Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho rằng: Việt Nam có bề dày kinh nghiệm sản xuất vaccine với 4 doanh nghiệp nhà nước và một số cơ sở tư nhân đều đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt). Việt Nam cũng có khả năng làm chủ công nghệ sản xuất vaccine bởi trước đó đã làm chủ công nghệ như: Vaccine bất hoạt, vaccine giải độc tố, vaccine tiểu đơn vị... Việt Nam là một trong số ít nước gần như chủ động toàn bộ vaccine trong tiêm chủng mở rộng (10/11 vaccine). Năm 2015 hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đã đạt được chứng nhận “Hoạt động tốt” theo Bộ công cụ đánh giá vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Khánh Phương, hạn chế trong sản xuất vaccine của Việt Nam hiện nay là hầu hết vaccine sản xuất trong nước là vaccine đơn giá (vaccine có chứa một chủng duy nhất của một kháng nguyên duy nhất) do hạn chế về trình độ kỹ thuật và nguồn lực. Đầu tư của Nhà nước cho nghiên cứu, sản xuất vaccine còn thấp, thiếu nguồn tài chính bền vững để duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở mức cao. Chính sách giá đối với vaccine trong tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Tiếp cận công nghệ mRNA để sản xuất vaccine
Trong đại dịch Covid-19, sự ra đời của những vaccine dựa trên công nghệ mRNA của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ), Pfizer (Mỹ), BioNTech (Đức) đã tiếp sức hiệu quả cho cuộc chiến chống dịch Covid. Với thành quả ấn tượng đó, vaccine ứng dụng công nghệ mRNA đang được các nhà khoa học kỳ vọng có tiềm năng to lớn trong việc ngăn chặn những căn bệnh nguy hiểm như HIV, ung thư hay bệnh cúm. Nhận thấy sự cần thiết phải tăng cường năng lực sản xuất và chứng nhận vaccine nội địa dựa trên việc áp dụng thành công công nghệ vaccine mRNA trong đại dịch, Việt Nam đã tham gia vào chương trình chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua Liên minh Vaccine và Sinh học Afrigen có trụ sở ở thành phố Cape Town (Nam Phi).
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận xét: Đây là một cơ hội quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ mRNA để sản xuất vaccine. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi Việt Nam phải xem xét cẩn thận các bước, thời gian, quy mô và nguồn vốn đầu tư cần thiết cũng như phát triển chuyên môn để bảo đảm hiệu quả, tính bền vững tài chính của hoạt động chuyển giao công nghệ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cục, vụ, viện, doanh nghiệp, chuyên gia cao cấp và các đối tác quan trọng cũng góp phần xây dựng một chiến lược quốc gia hiệu quả nhằm tăng cường tiếp cận công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến trong thời gian tới.
TS Nguyễn Khánh Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế đề xuất, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao cho sản xuất vaccine; xây dựng cơ sở sản xuất đạt GMP có quy mô đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực của hệ thống cơ quan quản lý quốc gia về vaccine, đạt chứng nhận của WHO. Nhà nước cần ban hành các chính sách liên quan để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; bảo đảm kinh phí cho nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Đồng thời, Việt Nam nên đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ sinh học mà chúng ta có lợi thế.
(Theo qdnd.vn)