.

Tiền Giang: Chủ động ngăn chặn, phòng tránh lây lan bệnh tay chân miệng

Cập nhật: 12:24, 10/06/2023 (GMT+7)

(ABO) Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, đề nghị Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố chủ động ngăn chặn, phòng tránh lây lan và giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng.

Cụ thể là đẩy mạnh công tác truyền thông, tập trung vào nguyên nhân, đường lây, dấu hiệu và cách phòng bệnh; đồng thời, chủ động thực hiện các hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như treo khẩu hiệu/băng rôn; tư vấn sức khỏe trong các hoạt động khám, điều trị bệnh và các buổi tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ tại cơ sở; thăm hộ gia đình; lồng ghép nói chuyện sức khoẻ tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo; tuyên truyền lưu động; thảo luận nhóm…

Ngoài ra, cơ sở khám, chữa bệnh phối hợp ban, ngành, đoàn thể tổ chức các chiến dịch truyền thông về vệ sinh môi trường, thực hiện 3 sạch “ăn sạch, uống sạch và ở sạch”, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

Trong tháng 6 CDC tăng cường truyền thông lưu động phòng, chống bệnh tay chân miệng tại 11 huyện, thị, thành nơi tập trung đông người, các khu chợ, khu dân cư…
Trong tháng 6, CDC tăng cường truyền thông lưu động phòng, chống bệnh tay chân miệng tại 11 huyện, thị, thành nơi tập trung đông người, các khu chợ, khu dân cư…

Bác sĩ Võ Thanh Nhơn cho biết: Bệnh tay chân miệng là dạng bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch, do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh chân tay miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.

Bệnh chân tay miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Đặc biệt, tại các tỉnh phía Nam, dịch bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm.

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, nước mũi, phỏng nước và phân… của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh.

THANH HOÀNG  

 

.
.
.