.

Tiền Giang: Sốt xuất huyết diễn biến khó lường, cần chủ động phòng tránh

Cập nhật: 09:57, 19/06/2023 (GMT+7)

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Đây là căn bệnh nguy hiểm, có khả năng bùng phát dịch và dẫn đến tử vong. Cho đến nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng, chống chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi đốt…

CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 24 ca mắc SXH; có 10 xã thuộc 5 huyện vượt đường cong chuẩn và 9 xã thuộc 5 huyện vượt đường cong trung bình chuẩn về SXH. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15-6-2023, toàn tỉnh ghi nhận 1.346 ca mắc SXH. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 130% và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc SXH có thể gia tăng do đang bước vào mùa mưa là mùa cao điểm của dịch bệnh SXH.

Mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH được Sở Y tế tổ chức nhằm kêu gọi mọi người dân cùng quan tâm và chủ động phòng, chống SXH.
Mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH được Sở Y tế tổ chức nhằm kêu gọi mọi người dân cùng quan tâm và chủ động phòng, chống SXH.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tuy số ca mắc SXH những tuần gần đây có giảm so với những tuần trước đó nhưng tổng số ca mắc ghi nhận có tăng so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến thời tiết thất thường là môi trường thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi. Do đó, mọi người không thể chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch SXH.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh Tiền Giang, Sở Y tế đã chỉ đạo hệ thống y tế toàn tỉnh chủ động, tích cực phòng, chống SXH. Trong đó, tăng cường truyền thông phòng, chống SXH trước mùa dịch, phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và vận động người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh.

Chủ động, tích cực phòng, chống SXH

Trong tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Công văn 1453 về việc chủ động, tích cực phòng, chống SXH. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo một số nội dung chính nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống SXH, như sau:

- Chủ động công tác truyền thông phòng, chống SXH trước, trong mùa dịch; tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH.

- Phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH.

- Triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý.

- Chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch SXH tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, máy móc điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới.

- Chỉ đạo Sở Tài chính căn cứ kế hoạch phòng, chống SXH năm 2023 trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp kinh phí từ nguồn địa phương để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống SXH trước mùa dịch.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống SXH tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Diệp đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp trong tỉnh thực hiện tốt Chiến dịch phòng, chống SXH trên địa bàn phụ trách, không để dịch bệnh bùng phát; tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống SXH; nghiên cứu, đề xuất xử lý các trường hợp không tham gia phòng, chống dịch, giấu dịch.

Đồng thời, đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hằng tuần hãy dành nửa giờ để vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát nhằm hạn chế nơi trú ẩn của muỗi. Đây là biện pháp dễ làm, không tốn nhiều chi phí và mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác phòng, chống SXH. “Diệt lăng quăng và muỗi tại chính ngôi nhà của bạn” là khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Hữu Diệp đối với mỗi người dân…

THEO DÕI SÁT BỆNH NHÂN SXH

Thời gian qua tại nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH tự ý điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào bệnh viện hoặc các cơ sở y tế thì đã ở trong tình trạng sốc SXH... Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực bệnh nhân mới qua nguy kịch...

Bệnh SXH trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Trong giai đoạn nguy hiểm, thường từ ngày thứ 3 đến 7 của bệnh, bệnh nhân có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, với các biểu hiện sau: Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ); tràn dịch màng phổi với biểu hiện đau ngực, cảm giác tức nặng ngực, đau ngực tăng khi thay đổi tư thế, khó thở; tràn dịch màng bụng với biểu hiện bụng to nhanh, chướng bụng, khó thở.

Gan to khiến đau tức vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc do giảm khối lượng tuần hoàn với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, tiểu ít.

Giám sát lăng quăng, phòng, chống SXH tại hộ gia đình.
Giám sát lăng quăng, phòng, chống SXH tại hộ gia đình.

Xuất huyết dưới da tạo ra nốt xuất huyết hoặc mảng xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn. Xuất huyết ở niêm mạc gây chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.

Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não với biểu hiện nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh...

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh SXH có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch đường uống hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì người bệnh nên vào cơ sở y tế, vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.

Người dân tuyệt đối không được tự dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid, nếu người bệnh đã uống những thuốc này thì hãy tới gặp bác sĩ. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.

Đặc biệt không truyền dịch khi không có chỉ định, một số trường hợp bệnh nhân vào cơ sở y tế tư nhân đã truyền dịch vượt quá quy định nên dễ diễn biến nặng.

THỦY HÀ

.
.
.