Thứ Sáu, 02/06/2023, 09:28 (GMT+7)
.

TP Hồ Chí Minh: Thành lập tổ chuyên gia khi bệnh tay chân miệng có biến chủng nguy hiểm

Chiều 1/6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, số ca bệnh tay chân miệng hiện đang thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng lại đáng lo ngại khi virus Enterovirus 71 (EV71) gây bệnh nặng và tử vong ở trẻ em đã xuất hiện trở lại.

Trẻ bị tay chân miệng thường xuất hiện các nốt hồng ban ở lòng bàn chân, tay.
Trẻ bị tay chân miệng thường xuất hiện các nốt hồng ban ở lòng bàn chân, tay.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, năm 2011 là năm bùng phát virus EV71 với nhiều trường hợp nặng và tử vong chủ yếu là type C4, đến năm 2018, số ca nặng có giảm và chủ yếu là type B5.

Hiện nay, tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP Hồ Chí Minh đang điều trị 33 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tất cả đều dưới 5 tuổi, trong đó có 9 ca nặng và đã có 4 trường hợp nặng xác định do mắc EV71. Sở Y tế đang tiếp tục phối hợp với OUCRU để giải trình tự gene, xác định các chủng gây bệnh nguy hiểm của EV71.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 1.670 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. So với cùng kỳ năm 2022 vẫn còn thấp (3.107 ca, 46,3%), trong đó có 270 ca điều trị nội trú. Tuy số ca mắc thấp hơn nhưng thật sự đáng lo ngại hơn khi virus EV71 đã được xác định bằng kỹ thuật PCR ở một số trường hợp nặng.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, hiện các bệnh viện Thành phố đều thực hiện được các xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế thì chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Chỉ xét nghiệm tìm tác nhân đối với các trường hợp bệnh nặng để phân biệt với các bệnh lý khác và nghiên cứu dịch tễ. Quan trọng hơn, trong công tác điều trị đã phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để kịp thời nhập viện và điều trị theo phác đồ.

Theo đó, Sở Y tế đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch tay chân miệng. Hiện tại, các bệnh viện chuyên khoa Nhi của Thành phố đã sẵn sàng các trang thiết bị hồi sức các trường hợp nặng (lọc máu, ECMO…) và sẵn sàng thuốc điều trị theo phác đồ.

“Tuy nhiên, để chủ động hơn trong ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, Sở Y tế đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị. Nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch”, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố kích hoạt các đội phản ứng nhanh cùng tất cả các Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức khởi động ngay các hoạt động phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, nhất là tại các hộ gia đình và các trường học.

Ngành y tế khuyến cáo: Rửa tay là biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng quan trọng nhất. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ (nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng…) để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng (sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi...).

(Theo https://baotintuc.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-thanh-lap-to-chuyen-gia-khi-benh-tay-chan-mieng-co-bien-chung-nguy-hiem-20230601182858640.htm)

 

 

.
.
.