Huyện Gò Công Tây: Triển khai phòng, chống sốt xuất huyết dựa vào học đường
(ABO) Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) dựa vào học đường.
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Nguyễn Thanh Tuấn; đại diện lãnh đạo Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang; các Trưởng Trạm Y tế và Hiệu trưởng 16 trường tiểu học, 6 trường THCS trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
Phát biểu tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc TTYT huyện Gò Công Tây cho biết, kế hoạch phòng, chống SXH dựa vào học đường là kế hoạch phối hợp liên ngành giữa TTYT và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện với sự chỉ đạo của UBND huyện. Kế hoạch được sự đồng thuận từ chính quyền địa phương, nhà trường và hộ gia đình có con em là học sinh từ lớp 3 đến hết lớp 9. Thời gian thực hiện từ tháng 7-2023 đến năm 2025.
Lãnh đạo TTYT và Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Gò Công Tây ký kết thực hiện mô hình "Phòng, chống SXH dựa vào học đường”. |
Cụ thể, mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp hướng dẫn cho các em học sinh cách dọn dẹp vệ sinh môi trường không để nước ứ động làm sinh sôi nảy nở lăng quăng tại khu vực nhà ở và trường học; cách diệt lăng quăng, phòng, chống muỗi đốt và khuyến khích các em tuyên truyền cách làm này đến tất cả người thân trong gia đình, vận động người thân cùng tham gia.
Đối với nuôi cá diệt lăng quăng ngoài nguồn cung cấp cá từ trường học, còn khuyến khích các em nhân nuôi tại hộ gia đình để diệt lăng quăng tại nhà và cho các hộ xung quanh. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như mặc quần áo dài tay, ngủ mùn kể cả ban ngày, thoa kem chống muỗi, dùng nhang trừ muỗi…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Nguyễn Thanh Tuấn chỉ đạo các đơn vị có liên quan quyết tâm thực hiện thành công mô hình "Phòng, chống SXH dựa vào học đường". Đồng thời nhấn mạnh, mô hình "Phòng, chống SXH dựa vào học đường" cho thấy vai trò của học sinh trong truyền thông phòng, chống SXH là rất quan trọng. Kiến thức và thực hành của học sinh về SXH và các biện pháp phòng, chống SXH tăng lên làm lan tỏa tới cha mẹ học sinh và các hộ gia đình lân cận. Từ đó, tạo ra cộng đồng có kiến thức và thực hành đúng các biện pháp phòng, chống SXH, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc SXH, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
THANH HOÀNG