Tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống khi dịch sốt xuất huyết gia tăng
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 57.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. Số mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây.
TP Hồ Chí Minh kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại xã Thới Tam Thôn. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN |
Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, dự báo số mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Sốt xuất huyết gia tăng lo ngại
Tại Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới, dẫn đến số ca mắc bệnh tăng nhanh. Xuất hiện nhiều ổ dịch bùng phát mạnh và kéo dài, trong đó tại xã Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội) sau hơn 3 tháng xuất hiện ổ dịch, số ca mắc mới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính đến ngày 14/8, xã Phùng Xá đã có tới 340 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và trở thành nơi ghi nhận nhiều ca bệnh nhất trên địa bàn thành phố.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cuối tháng 7-2023, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn bắt đầu gia tăng, với hơn 480 ca/tuần. Trong hai tuần đầu tháng 8-2023 (tính từ ngày 1 - 11-8), số ca bệnh tiếp tục tăng gấp 1,5 lần so với tháng 7 (khoảng 640 - 760 ca/tuần). Đáng chú ý, số ổ dịch sốt xuất huyết cũng tăng gấp 2 - 3 lần, từ 16 - 20 ổ dịch/tuần trong tháng 7 lên tới 59 ổ dịch/tuần (từ ngày 4 - 11-8). So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 5,7 lần.
Tại Bình Thuận, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.490 ca mắc. đa phần số ca mắc thuộc nhóm người dưới 15 tuổi. Các địa phương có số ca mắc cao là Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Đức Linh…
Tỉnh đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết. Đó là bệnh nhân nữ, sinh năm 1972, ngụ tại tổ 3, thôn 7, xã Nam Chính, huyện Đức Linh. Ngày 30-7, bệnh nhân khởi phát sốt với triệu chứng đau đầu, sốt, chóng mặt, buồn nôn. Bệnh nhân đến phòng khám tư nhân gần nhà, được chẩn đoán rối loạn tiền đình, uống thuốc không rõ loại. Không thấy giảm bệnh, ngày 2-8, bệnh nhân đến khám tại một phòng khám tư nhân khác và cho thuốc uống (không rõ loại).
Đến ngày 4-8, bệnh nhân vẫn không thấy giảm nên nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam. Ngày 5-8, bác sĩ chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết Dengue. Sáng 7-8, bệnh nhân được chuyển viện đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và bệnh nhân tử vong lúc 21 giờ 40 phút cùng ngày. Chẩn đoán tại Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue nặng (thể sốc, suy đa tạng, tràn dịch đa màng, toan chuyển hóa), viêm phổi do vi khuẩn không đặc hiệu, bệnh lý tăng huyết áp.
Cũng từ giữa tháng 6 đến nay, tỉnh Ninh Bình ghi nhận 5 ổ dịch sốt xuất huyết ở 58 huyện, thành phố gồm: Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan và Tam Điệp. Hiện có 4 ổ dịch kéo dài 2 tuần và không phát sinh ca bệnh thứ phát, một ổ dịch phát sinh thêm ca bệnh thứ 5. Dự báo trong thời gian tới, sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch
Trung tâm y tế huyện Tuy Đức (Đắk Nông) tổ chức phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN |
Trước tình tình sốt xuất huyết gia tăng lo ngại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã kịp thời có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tập trung chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Các địa phương tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Riêng đối với Hà Nội, để tăng cường hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa bàn.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập trung chỉ đạo thành lập ngay đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thành phố Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng, chống sốt xuất huyết và báo cáo kết quả về Bộ Y tế.
Bên cạnh phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn địa phương thuộc khu vực phụ trách giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng thuộc khu vực phụ trách.
(Theo https://baotintuc.vn/dich-benh/tich-cuc-trien-khai-cac-bien-phap-phong-chong-khi-dich-sot-xuat-huyet-gia-tang-20230816165348400.htm)