.

Những điều cần tránh khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà

Cập nhật: 09:43, 04/09/2023 (GMT+7)

Dưới đây là hướng dẫn của bác sĩ về chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà, những việc tuyệt đối không nên làm để tránh biến chứng nặng.

Điều trị cho trẻ mắc sốt xuất huyết tại bệnh viện. Ảnh: BV
Điều trị cho trẻ mắc sốt xuất huyết tại bệnh viện. Ảnh: BV

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn: Khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà, để tránh những biến chứng và dễ theo dõi diễn biến bệnh của trẻ, cha mẹ cần chú ý tuyệt đối không làm những việc sau:

- Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu.

- Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.

- Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc Aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

- Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra. Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận.

- Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.

Bác sĩ cũng hướng dẫn, tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị, phòng bệnh.

Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/ kg cân nặng, nhắc lại liều sau 4 - 6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại; kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.

Cho trẻ uống nhiều nước như: Nước Oresol (pha theo đúng liều lượng), nước lọc, nước cam, nước dừa…

Trẻ cần được ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép.

Đặc biệt, khi trẻ mắc sốt xuất huyết có một trong các dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời như:

- Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục nhiều vùng gan.

- Trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/1giờ, hoặc trên 4 lần/1giờ.

- Xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh.

- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ)

- Tiểu ít, đi ngoài phân đen

(Theo https://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/nhung-dieu-can-tranh-khi-cham-soc-tre-mac-sot-xuat-huyet-tai-nha-20230903180322978.htm)

 

 

.
.
.