Phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết: Kỳ vọng vào vaccine
Thách thức trong điều trị sốt xuất huyết Dengue hiện nay là bệnh nhân bị biến chứng nặng, sốc kéo dài, xuất huyết ồ ạt, suy hô hấp, viêm gan tối cấp, bệnh lý não do sốt xuất huyết.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN) |
“Gánh nặng sốt xuất huyết trong cộng đồng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng nặng nề.
Do đó, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa từ cộng đồng, việc sớm có vaccine phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Việc sớm có vaccine sốt xuất huyết có ý nghĩa lớn trong công tác phòng bệnh, giảm tử vong trong cộng đồng.”
Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam” do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức chiều 28-9.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2023 đến ngày 17/9, cả nước đã ghi nhận 81.719 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Năm 2023, khu vực phía Nam đã có 47.243 trường hợp mắc, trong đó có 17 trường hợp tử vong.
Bên cạnh công tác truyền thông, nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vaccine là biện pháp căn cơ nhằm giảm gánh nặng của dịch bệnh này đối với cộng đồng.
“Hiện nay, thế giới và Việt Nam đã có những nghiên cứu vaccine với kết quả ban đầu khá hứa hẹn. Nếu trong thời gian tới, vaccine phòng sốt xuất huyết được cấp phép, đây sẽ là công cụ hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Vũ Trung nhìn nhận.
Tiến sỹ Algela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN) |
Đối với công tác điều trị sốt xuất huyết, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dù năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết không cao bằng năm 2022, nhưng đã có nhiều trường hợp tử vong.
Thách thức trong điều trị sốt xuất huyết Dengue hiện nay là bệnh nhân bị biến chứng nặng, sốc kéo dài, xuất huyết ồ ạt, suy hô hấp, viêm gan tối cấp, bệnh lý não do sốt xuất huyết.
Những bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao là trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi, người béo phì, phụ nữ mang thai, bệnh nhân có bệnh nền như tim mạch, thận, viêm phổi, hen suyễn, thalassemia…
Các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết chủ yếu là phát hiện bệnh trễ, điều trị không đúng phác đồ, chuyển viện không an toàn.
Để hạn chế các ca tử vong, theo Bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng, phải giảm được ca mắc trong cộng đồng, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của vaccine.
Ông chia sẻ: “Về lâu dài, chúng ta đều mong muốn có một loại vaccine hiệu quả và an toàn để phòng bệnh mới là giải pháp căn cơ, việc nghiên cứu vaccine sốt xuất huyết không hề đơn giản bởi sốt xuất huyết có đến 4 tuýp huyết thanh, cần phải có một loại vaccine có thể chủng ngừa được cả 4 tuýp huyết thanh này.”
Tại Hội thảo, Tiến sỹ Joseph David Santangelo, Phó Chủ tịch Bộ phận Phát triển kỹ thuật Vaccine - Tập đoàn Takeda (Nhật Bản) giới thiệu vaccine phòng sốt xuất huyết do Takeda sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia trên thế giới gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Argentina và các quốc gia có tình hình dịch tễ sốt xuất huyết tương tự Việt Nam như Indonesia, Brazil, Thái Lan.
Theo ông Joseph David Santangelo, kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine này có thể tạo phản ứng miễn dịch ở mức độ khác nhau đối với cả 4 chủng virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành trên thế giới, giúp phòng bệnh và giảm khả năng nhập viện ở người mắc. Tại châu Âu, vaccine này đã được duyệt sử dụng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên không phân biệt đã từng nhiễm bệnh hay chưa.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, tại Việt Nam, sốt xuất huyết diễn biến rất phức tạp và lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
Dịch xuất hiện rải rác trong năm và thường đạt đỉnh vào các tháng 7, 8, 9, 10, trong đó bệnh lưu hành nặng tại các tỉnh khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên với số trường hợp mắc hàng năm khoảng 100.000 trường hợp và 100 trường hợp tử vong.
Hiện nay, tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.
Trong khi đó, do sự biến đổi khí hậu, sự đô thị hóa nhanh của các địa phương, tập quán trữ nước trong các lu, khạp, của người dân, cùng với việc loại bỏ các vật dụng chứa nước phế thải chưa được thực hiện triệt để nên tạo điều kiện cho muỗi phát triển và truyền bệnh, nguy cơ bùng phát số trường hợp mắc và tử vong là rất lớn.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đưa các biện pháp mới vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết như thả muỗi mang Wolbachia, nghiên cứu và sử dụng hiệu quả vaccine phòng, chống sốt xuất huyết rất cần được quan tâm./.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/phong-chong-dich-benh-sot-xuat-huyet-ky-vong-vao-vaccine/899242.vnp)